Theo bộ phận phụ trách công tác ra đề, đề thi môn ngữ văn năm nay tiếp tục chú trọng nhiều hơn đến tính thực tiễn. Vậy học sinh chú ý gì để ôn tập đúng trọng tâm?
Học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2023 tại TP.HCM. Ảnh: Én Bông
Đọc hiểu – rèn luyện các kỹ năng cần thiết
Văn bản đọc hiểu khá đa dạng, có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học. Câu hỏi phần này được tổ chức theo các mức độ từ dễ đến khó; từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Để ôn tập tốt phần này, học sinh cần lựa chọn các văn bản có tính thời sự qua sách báo, văn bản có nội dung phù hợp với lứa tuổi. Luyện tập các kỹ năng thiết yếu như đọc và phát hiện, nhận biết; kỹ năng đặt nhan đề, giải thích các từ ngữ, chi tiết, hình ảnh trong văn bản; phát hiện các vấn đề về sử dụng tiếng Việt trong văn bản. Cạnh đó, học sinh cần rèn luyện thao tác tóm tắt văn bản; biết liên hệ, so sánh văn bản đang đọc với văn bản liên quan. Quan trọng nữa là học sinh biết liên hệ với thực tế cuộc sống, nêu quan điểm cá nhân, đề xuất giải pháp… Khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề và phân tích kỹ để nắm chắc các yêu cầu để có cách trả lời hiệu quả. Lỗi thường gặp ở phần này là học sinh trả lời sơ sài, không đủ ý theo yêu cầu đáp án, hoặc trả lời dài dòng, mất thời gian không cần thiết. Cần nhớ là phải trả lời cho hết ý của câu hỏi, không nên đơn giản hóa câu trả lời.
Nghị luận xã hội – chú ý các thao tác lập luận
Với bài văn nghị luận xã hội (khoảng 500 chữ), học sinh cần chú ý đến các thao tác lập luận, xem đó là bộ khung (xương sống) của bài làm. Trong đó có các thao tác không thể thiếu là giải thích, phân tích, bình luận, chứng minh… Bài làm điểm kém là những bài hiểu sai vấn đề (lạc đề), vì vậy học sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận. Từ đó triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Cách yêu cầu ở câu hỏi này những năm gần đây khá đa dạng. Có thể là bàn luận về một ý kiến hoặc đưa ra một câu chuyện, một bài báo, thậm chí là một bức tranh minh họa…, từ đó yêu cầu học sinh nghị luận. Nếu hiểu sai, bài làm sẽ lạc đề. Để làm tốt phần này, đòi hỏi các em phải có những quan điểm, chính kiến xác đáng. Bài làm phải có lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén và dẫn chứng thuyết phục. Lỗi của học sinh ở phần này thường là viết không đúng theo yêu cầu, hiểu sai luận đề, bàn luận chung chung, thiếu chiều sâu tư duy xã hội…
Nghị luận văn học – chú ý sự tích hợp trong câu hỏi
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề để làm bài phần này. Đề 1 yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận 1 tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. Đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy. Để làm tốt phần này, học sinh cần rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo 2 thể loại cơ bản của lớp 9 là thơ và truyện. Nhất thiết phải biết thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề. Với phần mở rộng vế sau của câu hỏi, cần dùng kiến thức và sự trải nghiệm của bản thân để giải quyết một tình huống cụ thể nào đó. Lỗi thường thấy của học sinh trong phần này là diễn xuôi lại tác phẩm. Bài làm thiếu cảm xúc do lười đọc, lệ thuộc bài văn mẫu…
Những trường hợp bị mất điểm theo đáp án chấm năm 2023
Ở câu hỏi đọc hiểu (câu 1-3 điểm). Câu a (0,5 điểm): Yêu cầu học sinh phải trả lời sát với văn bản và chỉ cần 2 ý là được. Nếu học sinh trả lời ý ngoài văn bản sẽ không có điểm. Câu b (0,5 điểm): Học sinh phải trả lời đủ 2 vế, gọi tên đúng “thành phần gọi đáp” (0,25 điểm) và xác định đúng từ ngữ “Mẹ ơi” (0,25 điểm). Các trường hợp như gọi tên sai (tình thái hoặc phụ chú), hay xác định thừa từ ngữ, thiếu từ ngữ (chỉ có từ “ơi”) đều bị mất điểm. Câu c (1 điểm) yêu cầu 4 ý trả lời, học sinh trả lời thiếu 1 ý sẽ bị trừ 0,25 điểm. Nếu các em ghi lại nguyên văn câu nói của Đặng Thùy Trâm cũng không có điểm. Phải bỏ từ “của mình” trong các câu nói đó mới được chấp nhận. Ở câu d (1 điểm), yêu cầu học sinh phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát (thích hoặc không), có lập luận lý giải vì sao và không được mắc lỗi diễn đạt mới đạt trọn điểm.
Câu 2 nghị luận xã hội (3 điểm), chấp nhận cho học sinh viết dài hơn yêu cầu nhưng nếu các em viết thành đoạn văn sẽ bị trừ điểm. Điểm tối đa nếu viết thành đoạn văn là 1,75/3 điểm. Do yêu cầu của đề gồm rất nhiều biểu hiện như nói lời cảm ơn, xin lỗi, lời yêu thương, lời tâm sự…, cho nên nếu học sinh chỉ nghị luận một biểu hiện (chẳng hạn cảm ơn/vô ơn) sẽ được điểm tối đa là 1/3 điểm. Trong bài làm nghị luận xã hội (và cả nghị luận văn học), nếu các em mắc từ 5 lỗi trở lên (chính tả, dùng từ, đặt câu…) sẽ bị trừ 0,25 điểm.
Với câu 3 nghị luận văn học (4 điểm), nếu học sinh làm đề 1 mà chọn văn bản là truyện để phân tích (đề yêu cầu là văn bản thơ) thì chỉ được chấm thang điểm về cấu trúc (0,5 điểm), diễn đạt (0,25 điểm), cùng với phần nội dung là 0,75 điểm. Cho nên, điểm tối đa nếu học sinh chọn sai yêu cầu thể loại văn bản theo yêu cầu của đề là 1,5/4 điểm. Nếu các em viết thành một đoạn văn, nhưng phải thật tốt, thì chỉ đạt điểm tối đa 2,75. Đề 2 cũng có các yêu cầu tương tự như đề 1.
Nhiều lỗi sai trong bài làm của học sinh năm 2023
Đề thi môn ngữ văn năm 2023 tại TP.HCM được nhiều người nhận xét là hay, tính giáo dục cao, phù hợp lứa tuổi học sinh và có tính gợi mở để giúp học sinh thỏa sức sáng tạo. Thế nhưng, sau nhiều ngày chấm thi, các giám khảo có cùng nhận xét là đa số bài làm chưa đáp ứng được tinh thần đổi mới của đề thi. Chẳng hạn ở câu d (đọc hiểu), người soạn đề rất tinh ý trong cách dùng từ, không dùng “đồng ý hay không” (với cách suy nghĩ của “triết gia nhỏ xinh” Bao Nakashima) theo cách hỏi quen thuộc mà dùng “em có thích” không. Cách hỏi này sẽ gợi mở rất nhiều cho học sinh trả lời. Nhưng đa số bài làm chỉ dừng lại ở giải thích không ai giống ai, mỗi người là một cá thể riêng, chứ chưa mở rộng thêm phần trả lời (chẳng hạn: khẳng định bản thân mình trên cuộc đời, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho cuộc sống, xã hội, thế giới…). Ở câu nghị luận xã hội, độ mở cũng rất cao, vì học sinh nghị luận theo nhan đề cho sẵn “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời”. “Lời” ở đây rất rộng, có thể là lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời khen ngợi, lời yêu thương… Nhưng nhiều bài làm chỉ giới hạn trong một nghĩa (đa số là cảm ơn), có bài làm đi phân tích bài thơ của Lê Minh Quốc, có bài lạc đề sang sự giúp đỡ của người khác. Vì vậy học sinh chưa thấy được sự tinh tế của câu hỏi này. Với câu nghị luận văn học, cả đề 1 và đề 2 đều cho phép học sinh được chọn văn bản ngoài chương trình. Đây là ý tưởng rất hay của đề thi, nhằm giúp các em tiệm cận với sự đổi mới đề thi môn ngữ văn theo chương trình mới. Nhưng theo giám khảo chấm, chưa thấy có bài làm nào “dũng cảm” chọn văn bản ngoài sách giáo khoa. Do không dám mạo hiểm, sợ sai và tư tưởng “học gì thi nấy” vẫn còn đè nặng trong suy nghĩ của học sinh.
Cách hỏi của 2 đề câu nghị luận văn học cũng rất mới: Suy nghĩ về tình yêu nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ca ngợi tình yêu ấy. Từ đó cho thấy tác động của khổ thơ/đoạn thơ đối với bản thân (đề 1); Suy nghĩ về tình cảm gia đình qua một đoạn văn bản hoặc tác phẩm. Qua đó chia sẻ đôi điều về cách bạn trò chuyện và thấu hiểu, cách đọc tác phẩm (đề 2). Thế nhưng, yêu cầu rất mới này chưa được học sinh “đồng cảm”. Hầu hết học sinh làm bài theo cách ôn thi rất hàn lâm ở trường là phân tích theo chủ đề (yêu nước hoặc gia đình). Hy hiếm mới thấy có học sinh làm bài phần yêu cầu mở rộng của đề. Riêng phần “chia sẻ đôi điều về cách đọc tác phẩm” trong yêu cầu của đề 2 không thấy bài làm nào nói đến.
Trần Ngọc Tuấn
(giáo viên môn ngữ văn –
Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Bình luận (0)