Muốn chinh phục môn toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2024 tại TP.HCM, học sinh phải nắm vững các kiến thức toán học cơ bản, từ đó mở rộng đến những kiến thức nâng cao.
Cô Phạm Thị Mộng Thường khuyên các em học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản để chinh phục môn toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập
Cấu trúc đề thi tuyển sinh môn toán gồm 8 câu, bao gồm: câu 1, câu 2 là bài toán cơ bản; câu 3, câu 4, câu 5, câu 6 và câu 7 là dạng toán thực tế, đi từ cơ bản đến nâng cao – trong đó câu 6, câu 7 thường là vận dụng cao. Còn câu 8 là bài toán hình học gồm 3 câu nhỏ.
Toán thực tế đòi hỏi học sinh phải… thực tế
Với phần kiến thức cơ bản trong đề thi – câu 1, câu 2 – học sinh phải thuộc lý thuyết để áp dụng làm bài. Riêng câu c bài số 2 ở mức độ vận dụng. Muốn làm được câu này, học sinh phải đi từ các kiến thức cơ bản. Với 5 bài toán thực tế, trong từng chương giáo viên đều đã ôn tập cho học sinh, đến thời điểm ôn thi học kỳ II thì học sinh cơ bản đã nắm được các dạng toán thực tế. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng đi từ kiến thức cơ bản đến nâng cao để học sinh hiểu.
Đặc thù của toán thực tế đòi hỏi học sinh phải… thực tế. Tức là, những bài toán thực tế như bài toán “tìm số gà, tìm số chó”, nếu học sinh không thực tế, không biết được con gà có mấy chân, con chó có mấy chân thì không thể làm được. Các vấn đề đặt ra trong bài toán thực tế rất thực tế, có thể là tính %, tính tiền thuế, tính lãi suất ngân hàng, tính tiền điện, tiền nước… Ngoài ra, toán thực tế cũng có thể gắn với các môn học như vật lý, hóa học như tính thể tích, quãng đường, vận tốc… Vì thế, để giải được thì học sinh buộc phải hiểu được đề, hiểu được các vấn đề thực tế này trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, cái khó của học sinh đối với dạng toán thực tế đó là đọc đề mà không hiểu đề nói gì, vì bị ngộp trước những kiến thức, vấn đề thực tế đặt ra trong đề. Học sinh không hiểu ý của đề nói gì, kiến thức thực tế là gì. Cho nên, với các dạng toán thực tế, trong quá trình dạy, giáo viên phải mở rộng kiến thức cho học sinh, bên cạnh kiến thức toán học thì còn phải giúp học sinh trang bị kiến thức thực tế cuộc sống. Giáo viên phải giúp học sinh đi từ các dạng cơ bản, sau đó nâng cao dần, trang bị cho học sinh những hiểu biết về kiến thức thực tế.
Học sinh lớp 9A11 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) trong giờ học môn toán
Trong quá trình ôn tập, với các dạng toán thực tế, học sinh cần rèn luyện nhiều dạng đề để hình thành kỹ năng, nắm chắc được kiến thức toán học, kiến thức thực tế. Nếu muốn làm các dạng toán nâng cao thì học sinh phải có thêm những hiểu biết rộng. Trên thực tế, từng có năm, bài toán thực tế trong đề thi tuyển sinh lớp 10 có đề cập đến vấn đề can chi – 12 con giáp. Nếu học sinh không có kiến thức sơ qua về điều này thì không thể làm được bài này.
Đặc biệt, các dạng toán thực tế đòi hỏi học sinh phải sử dụng kiến thức toán học để giải quyết các vấn đề thực tế, chứ không thể học vẹt, học suông, áp dụng công thức máy móc để làm như một cái máy. Môn toán là môn được gắn mác là không gần gũi cuộc sống, tuy nhiên, các bài toán thực tế giúp môn toán không còn hàn lâm mà gần với đời sống.
Với câu 8 – bài toán hình học – đòi hỏi học sinh phải nắm kỹ lý thuyết để áp dụng. Theo đó, học sinh phải đi từ những kiến thức cơ bản, sau đó mới vận dụng được. Hình học chủ yếu là chương hình tròn của lớp 9 nhưng học sinh cũng cần phải nắm những kiến thức hình học từ lớp dưới. Câu a phần hình học là thông hiểu, nhận biết; câu b, câu c là vận dụng cao. Những năm gần đây, câu c cũng ở mức vừa tầm đủ để phân loại học sinh.
Câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau
Khi bước vào phòng thi, học sinh phải thật sự bình tĩnh, đọc đề kỹ từ trên xuống dưới. Câu nào bản thân đọc và biết làm thì làm trước để lấy tinh thần tốt. Nhiều học sinh có thói quen làm đề từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, nếu trong quá trình làm bài, các em bị vướng ở một câu nào thì sẽ bị kẹt ở đó, điều này sẽ khiến các em mất thời gian, mất tinh thần. Trong môn toán, nếu mất tinh thần thì làm bài thường rất dễ sai. Ngoài ra, trong môn toán, học sinh phải cẩn thận, tính toán kỹ. Nhiều học sinh có sức học tốt nhưng đi thi không làm được điểm cao vì chủ quan.
Đối với phụ huynh, cần phải đồng hành, động viên con trong suốt kỳ thi tuyển sinh. Phụ huynh không nên tạo áp lực cho con bằng việc bắt con đi học thêm quá nhiều mà cần căn cứ vào năng lực của con, đặt các nguyện vọng trường THPT vừa sức. Trước 2 ngày thi, phụ huynh đừng ép con học vì việc học là cả quá trình, phải động viên con nghỉ ngơi. Trước ngày thi, phụ huynh chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho con, tránh cho con ăn những đồ ăn lạ, khó tiêu hóa.
Những năm trước, có nhiều học sinh chia sẻ rằng, trong ngày đi thi bị… đau bụng, do vấn đề tâm lý và ăn thức ăn không tiêu. Vì vậy, phụ huynh cần theo sát con, tránh cho con ăn những đồ ăn lạ vào cận ngày thi; tạo cho con cảm giác thoải mái để con bước vào phòng thi với tâm lý vui vẻ nhất.
Sau khi con kết thúc bài thi, phụ huynh không nên truy hỏi con có làm bài được không mà hãy động viên, để con không bị áp lực tâm lý cho các môn thi sau.
Phạm Thị Mộng Thường
(Tổ trưởng Tổ toán Trường THCS
Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Bình luận (0)