Trong đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập môn ngữ văn, phần nghị luận văn học có 2 đề, học sinh được lựa chọn làm 1 trong 2 đề.
Thầy Võ Kim Bảo lên lớp dạy môn ngữ văn lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1)
Đề 1: Học sinh phân tích tác phẩm đã học trong chương trình. Trong đó chỉ phân tích một khía cạnh hoặc một phần tác phẩm, có sự liên hệ với tác phẩm khác cùng đề tài, liên hệ bản thân, hoặc liên hệ với đời sống thực tế. Đây là dạng đề quen thuộc, cơ bản, không đánh đố học sinh. Đề 2: Mang độ mở cao hơn, học sinh được lựa chọn tác phẩm, thoải mái nêu quan điểm suy nghĩ, tình cảm của mình.
Học sinh có thể chọn đề 1 hoặc đề 2 theo năng lực của mình. Những học sinh nắm vững, hiểu sâu, yêu thích các tác phẩm trong sách giáo khoa có thể chọn đề 1. Với những học sinh có năng lực cảm thụ tác phẩm, hiểu biết rộng, đọc nhiều thì có thể chọn đề 2.
Cách làm 2 đề thi
Đề 1: Đây là dạng đề quen thuộc, học sinh thường xuyên được làm quen trên lớp và có nhiều nguồn văn mẫu. Vì vậy, các em cần xác định đúng giới hạn của đề. Đề bài yêu cầu gì thì đi sâu vào yêu cầu đó, không viết lan man, dài dòng. Chọn dẫn chứng tiêu biểu là những câu văn, đoạn văn, nhân vật đặc sắc làm rõ được ý. Phần mở bài, học sinh cần giới thiệu lại giới hạn của đề. Riêng phần này, các em phải thay đổi quan điểm là viết mở bài thật hay để gây ấn tượng với giám khảo, mà cần viết mở bài đúng phương pháp. Ở phần thân bài, học sinh cần triển khai được các ý (luận điểm) để làm rõ đề bài. Mỗi luận điểm cần trình bày thành 1 đoạn văn. Các đoạn văn cần đảm bảo cấu trúc, nên có câu chủ đề rõ ràng để tránh viết lạc đề. Trước khi viết liên hệ mở rộng, học sinh cần phân tích kỹ biện pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng để viết nên tác phẩm nếu không bài làm sẽ trở thành bài bình luận chung chung chứ không phải là bài phân tích tác phẩm văn học. Với liên hệ mở rộng, không có giới hạn về nội dung được liên hệ nên học sinh cần luyện tập đa dạng các dạng đề, tránh rập khuôn 1 dạng. Ví dụ, liên hệ thực tế, liên hệ bản thân, liên hệ một tác phẩm cùng đề tài hoặc nêu tác động của tác phẩm với bản thân… Còn phần kết bài, học sinh cần khẳng định lại đề bài, nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với tình cảm, nhận thức của bản thân.
Đề 2: Đây là dạng đề mở hơn đề 1. Phần mở bài, học sinh cần xác định rõ giới hạn mà mình sẽ viết. Còn phần thân bài, học sinh cần nêu ít nhất được 2 ý kiến lớn (luận điểm) để làm rõ nội dung mà mình đã giới hạn ở mở bài. Trong đó, các ý kiến phải được trình bày cụ thể, rõ ràng, sử dụng dẫn chứng linh hoạt. Đặc biệt là phải nêu rõ được suy nghĩ, tình cảm, quan điểm bản thân đối với vấn đề mình đã nêu ra trong bài. Khuyến khích học sinh sử dụng các kiến thức lý luận văn học để tăng tính thuyết phục cho ý kiến của mình. Với phần kết bài, học sinh khẳng định lại đề bài, nêu ý nghĩa của vấn đề đối với tình cảm, nhận thức bản thân.
Học sinh cần lưu ý những gì?
Thứ nhất, học sinh cần ôn tập theo hình thức cuốn chiếu những tác phẩm đã được học trong học kỳ I, do số lượng tác phẩm ở học kỳ I nhiều gấp đôi tác phẩm trong học kỳ II. Đối với các tác phẩm trong học kỳ II, học tới đâu các em ôn luôn tới đó để nắm cho chắc. Thứ hai, học sinh không ôn tập theo thứ tự tác phẩm, mà ôn nên theo chủ đề để có cái nhìn liên hệ, so sánh giữa các tác phẩm. Ví dụ: Chủ đề người lính, chủ đề tình cảm gia đình, chủ đề người phụ nữ… Nắm chắc phương pháp làm bài trước khi đọc các bài văn mẫu để tham khảo. Vì phương pháp sẽ giúp học sinh hiểu được bài văn mẫu triển khai ý như thế nào để có thể học tập chứ không phải để học thuộc lòng. Thứ ba, học sinh nên sử dụng bảng kiểm để ôn tập (check list), liệt kê ra những nội dung cần ôn tập, theo dõi tiến độ ôn tập của bản thân. Các em thường xuyên luyện kỹ năng viết, kết hợp với việc theo dõi thời gian viết. Vì có trường hợp học sinh nắm phương pháp tốt, có kỹ năng viết tốt nhưng làm không kịp thời gian. Đặc biệt, học sinh cần lưu ý, trong quá trình ôn tập tuyệt đối không đoán đề, “bói đề”. Bởi vì đề thi ngữ văn của TP.HCM là đề mở, phạm vi ra rộng, học sinh cần nắm vững kiến thức, kỹ năng để chọn phạm vi viết.
Những sai lầm dẫn đến không đạt điểm cao
Với phần nghị luận văn học, đa số học sinh đạt điểm không cao do học, phân tích rập khuôn. Đề bài cho phân tích một khía cạnh nhưng do học văn mẫu nên các em thường bê nguyên xi việc phân tích cả bài dẫn đến lạc đề, bài không đạt điểm cao.
Do đề thi môn ngữ văn của TP.HCM chú trọng kỹ năng làm bài nên muốn đạt điểm cao, các em cần có kỹ năng làm bài, biết thể hiện kỹ năng, phương pháp làm bài. Khi làm bài, các em cần chú ý tạo luận điểm. Để tạo được đúng luận điểm thì cần có khả năng đọc và phân tích đề. Nếu không nắm vững kỹ năng này thì sẽ khó đạt điểm cao. Đọc đề, phân tích đề, lập được một dàn ý ra giấy nháp cho thấy rõ hệ thống ý, hệ thống luận điểm. Các luận điểm phải trình bày rõ ràng theo từng đoạn văn, mỗi luận điểm là một đoạn văn, không nhập nhiều luận điểm thành một đoạn; các luận điểm phải thể hiện được quan điểm của bản thân. Tuy nhiên, nếu không hiểu đề thì các em sẽ không thể tìm được luận điểm đúng.
Sai lầm tiếp theo là xử lý dẫn chứng không tốt. Thực tế là nhiều học sinh có vốn dẫn chứng phong phú, nhưng lại không biết xử lý, không phân tích được. Các em chỉ đơn thuần chép lại dẫn chứng, nêu bình luận chung chung, không làm rõ theo các ý mà đề yêu cầu, thậm chí chỉ chép dẫn chứng ra cho có. Nếu chỉ nêu như vậy, học sinh rất khó được điểm. Một sai lầm nữa khiến các em không đạt điểm cao là do quá yêu thích môn ngữ văn mà bị mất điểm. Cụ thể, học sinh vì yêu thích môn ngữ văn nên dành nhiều thời gian đọc tác phẩm mở rộng để có thêm kiến thức, có vốn dẫn chứng lớn. Tuy nhiên, khi làm bài các em lại sa đà, dành quá nhiều thời gian, nhiều “đất” viết về nội dung mở rộng đó, xa rời đề bài. Thậm chí với trường hợp này, nhiều giám khảo nhận định là học sinh đang “khoe” chữ. Giám khảo rất trân trọng những tình cảm của học sinh với bộ môn, tuy nhiên khi chấm bài thì phải căn cứ theo ba-rem, thang điểm. Do vậy, với những trường hợp này thì cũng không được điểm cao.
Sai lầm cuối cùng là có quan điểm viết càng dài càng tốt, càng dài càng đạt điểm cao mà không chú ý đến chất lượng bài làm. Viết dài nhưng có nhiều đoạn không có ý nghĩa, sa đà vào những nội dung không liên quan đến đề, hoặc viết quá dài một ý không kịp thời gian viết các ý sau. Khi giám khảo chấm bài sẽ không chấm theo độ dài bài làm mà chấm vào kỹ năng, mức độ đáp ứng nội dung kiến thức của bài làm theo đề yêu cầu. Chỉ có một phần điểm nhỏ 0,5 dành cho những bài viết hay, có ý tưởng sáng tạo.
Ngoài ra, khi làm bài thi môn ngữ văn, nhiều học sinh thường “đảo” thứ tự các câu hỏi, bắt đầu làm phần nghị luận văn học đầu tiên. Tuy nhiên, lời khuyên là các em không nên đảo thứ tự bài làm, mà làm theo đúng thứ tự các câu hỏi trong đề, từ phần đọc hiểu – nghị luận xã hội – nghị luận văn học. Trên thực tế, nhiều học sinh ngay khi đọc đề thấy “trúng tủ”, thấy có tác phẩm mình đã ôn ở phần nghị luận văn học nên lập tức làm luôn. Song, vì không có kỹ năng quản lý thời gian nên không kịp giờ làm các câu còn lại. Những trường hợp này mọi năm có rất nhiều.
Đề thi đã được thiết kế theo mạch ý tưởng các câu, vì thế các em cần bình tĩnh đọc đề, làm theo thứ tự câu hỏi, như vậy cũng giúp mạch logic phát triển toàn diện.
Võ Kim Bảo
(Tổ trưởng Tổ ngữ văn,
Trường THCS Nguyễn Du, Q.1)
Bình luận (0)