Đưa quá nhiều dẫn chứng, nhận định, đánh giá; sử dụng từ hoa mỹ mà bản thân không hiểu; chú trọng liên hệ tác phẩm bên ngoài mà quên đi tác phẩm đề bài yêu cầu…, đó là những sai lầm khiến nhiều học sinh không đạt điểm cao môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Thầy Phan Hoàng Tấn trong giờ dạy môn văn ở lớp 9/8 Trường THCS Nguyễn Văn Tố
Phần đọc hiểu
Đề thi có hai dạng, một văn bản hoặc hai văn bản. Về thể loại, văn bản cho trong đề có thể là văn bản nghị luận, văn bản khoa học… Mức độ kiến thức trải đều từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ở câu nhận biết, đề cho nhận biết các chi tiết, hình ảnh trong văn bản, ngữ liệu. Vì vậy, khi đọc đề, học sinh cần tìm được từ khóa trong câu hỏi để khoanh vùng. Với câu tiếng Việt, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề. Đề hỏi gì trả lời đó, đúng, đủ. Ví dụ, đề yêu cầu tìm một lời dẫn trực tiếp có trong đoạn ngữ liệu thì học sinh cần tìm, không cần chuyển sang lời dẫn gián tiếp. Với câu thông hiểu, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề, trả lời ngắn gọn, đầy đủ. Với câu vận dụng, học sinh cần chú ý dung lượng, xem đề yêu cầu giới hạn dòng hay câu. Đặc biệt, các em cần bám vào yêu cầu của đề. Thông thường, học sinh thường mất điểm ở câu vận dụng vì không bám vào trọng tâm yêu cầu của đề khi trả lời.
Như vậy, trong quá trình ôn tập, học sinh cần rèn kỹ năng đọc hiểu theo đặc trưng thể loại và theo hình thức một văn bản hay hai văn bản, bởi mỗi hình thức ra đề sẽ có một kiểu câu hỏi khác nhau. Nếu đề ra hai đoạn ngữ liệu, thường câu thông hiểu sẽ là câu liên kết hai đoạn ngữ liệu với nhau. Ví dụ: Chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau của hai đoạn ngữ liệu.
Cách ôn tập: Học sinh cần nắm kiến thức ngữ liệu, rèn kỹ năng trình bày. Nếu bài làm trả lời đúng nhưng trình bày không hợp lý, thiếu khoa học, bôi xóa nhiều thì vẫn có thể bị mất điểm. Ngoài ra, học sinh cần tập kỹ năng viết đoạn ngắn theo yêu cầu của đề. Ở mỗi bài tập đọc hiểu, học sinh nên tự rút kinh nghiệm ở các lỗi sai để tránh mắc phải các lần sau.
Phần nghị luận xã hội
Trước tiên, học sinh nên theo dõi các hình thức ra đề của TP.HCM những năm gần đây. Sau đó, ở mỗi dạng các em rút ra cho mình cách trình bày, kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, các em cần đọc thêm những thông tin ngoài đời sống từ nhiều nguồn để có được những dẫn chứng phù hợp, mới mẻ. Với phần này, đề thi sẽ không rập khuôn theo một hình thức nào, có thể là dạng trả lời câu hỏi, dạng lựa chọn hoặc dạng nhận định một tình huống. Vì vậy, học sinh cần rèn luyện và trang bị các kỹ năng lập luận thay vì chú trọng “học tủ” các chủ đề quen thuộc.
Để làm tốt phần này, học sinh cần nắm kỹ các thao tác: Mở bài phải thể hiện được luận đề; phần giải thích phải thể hiện được cách hiểu của bản thân về các từ khóa để đi đến nội dung của đề. Theo đó, ở phần bàn luận, các em cần đưa ra những góc nhìn của bản thân một cách cụ thể, không chung chung, kết hợp giữa lý lẽ và dẫn chứng để thể hiện quan điểm cá nhân. Còn phần phê phán và mở rộng vấn đề, cần đưa ra góc nhìn mới để thể hiện được góc nhìn đa chiều cho một vấn đề nghị luận, tránh sử dụng những từ ngữ “đao to búa lớn” làm nặng nề thêm bài viết. Cuối cùng, phần liên hệ bản thân, học sinh cần đưa ra nhận thức cụ thể vấn đề và kết hợp với hành động, tránh lối viết sáo rỗng, hô hào, khẩu hiệu. Kết bài, học sinh cần khẳng định lại vấn đề, có sự kết nối với mở bài để mở – kết được tương ứng, tránh kiểu viết đầu voi, đuôi chuột.
Đối với phần nghị luận xã hội, học sinh thường mất điểm khi mở bài không có luận đề; phần bàn luận thiếu dẫn chứng hoặc dẫn chứng chung chung không thuyết phục; phần liên hệ bản thân hay hô hào những việc làm không phù hợp với lứa tuổi. Những lỗi sai này xuất phát từ việc nhiều học sinh chưa để ý đến bài làm khi giáo viên sửa trên lớp; không quan tâm cập nhật những thông tin mới ngoài đời sống dẫn đến dẫn chứng thiếu thực tế. Đặc biệt, nhiều học sinh vẫn còn quen lối viết sáo mòn do phần nhiều ảnh hưởng của văn mẫu khiến phần liên hệ bản thân mang hơi hướng “đao to búa lớn”.
Phần nghị luận văn học
Ở phần này, học sinh cần nắm được nội dung cơ bản và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm trong chương trình học kỳ I và học kỳ II. Nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng đề thi sẽ ra vào các tác phẩm ở học kỳ II nên chểnh mảng tác phẩm trong học kỳ I, dẫn đến khi cần liên hệ, mở rộng thì thiếu kiến thức để bài làm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, học sinh cần chú trọng kỹ năng phân tích tác phẩm. Đối với thơ phải đi từ hình thức nghệ thuật ra nội dung, tránh đi ngược lại sẽ rơi vào lối diễn xuôi thơ. Đối với truyện, cần lựa chọn dẫn chứng phù hợp phân tích theo yêu cầu của đề để tránh rơi vào tóm tắt truyện. Ở mỗi đoạn phân tích, học sinh cần xây dựng rõ luận điểm và có trích dẫn dẫn chứng cho phù hợp, tránh tình trạng đang phân tích ý A mà đưa dẫn chứng sang ý B, làm bài viết không mạch lạc, thiếu liên kết.
Khi ôn tập phần này, học sinh nên kết hợp các chủ đề, ví dụ như chủ đề tình yêu thiên nhiên, tình cảm gia đình… Việc ôn tập như thế này mang đến cho học sinh nhiều cái lợi: Nếu đề ra về chủ đề thì học sinh có nhiều sự lựa chọn, nếu ra theo dạng ấn định một tác phẩm và liên hệ với tác phẩm khác cùng chủ đề thì học sinh có ngữ liệu, kiến thức để liên hệ, đáp ứng được yêu cầu mà đề đã cho. Học tác phẩm rời rạc, nếu đề ra dạng chủ đề sẽ dễ khiến học sinh hoang mang. Bên cạnh đó, học sinh có thể đọc thêm một số tác phẩm khác cùng tác giả hoặc cùng chủ đề.
Những sai lầm khiến học sinh mất điểm
Hiện nay, nhiều học sinh mang tư tưởng phải liên hệ tác phẩm ngoài chương trình cho bài viết phong phú, đa dạng hơn, thậm chí có tư tưởng làm vậy sẽ được điển cao. Tuy nhiên, hình thức này là “con dao hai lưỡi”. Trước tiên, học sinh cần làm rõ yêu cầu của đề theo trục tác phẩm chính mà đề ra, sau đó mới nghĩ đến việc mở rộng để làm tăng sức thuyết phục cho bài viết, tránh tình trạng “ôm đồm” quá nhiều tác phẩm ngoài mà nội dung chính của luận đề không được làm rõ. Điều này không giúp bài làm hoàn thiện, ngược lại còn bị khống chế về mặt điểm số.
Có một thực tế, nhiều học sinh không học yếu môn văn nhưng bài làm lại không đạt kết quả cao như mong đợi, nguyên do là bài viết “ôm đồm” quá nhiều nhận định, đánh giá; sử dụng từ hoa mỹ mà bản thân không hiểu. Đặc biệt, hai năm gần đây, nhiều học sinh có xu hướng đưa rất nhiều nhận định, câu nói từ các nguồn khác liên quan đến tác giả, tác phẩm nhưng lại không hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của những câu nói và nhận định đó, dẫn đến bài viết bị cồng kềnh, không đạt hiệu quả cao. Muốn đưa dẫn chứng dạng nhận định, ý kiến đánh giá xoay quanh tác giả, tác phẩm một cách hiệu quả, trước hết học sinh cần hiểu ý nghĩa của dẫn chứng, nhận định và có sự chọn lọc khi sử dụng mới phát huy được nhận định đó. Nhiều học sinh thuộc dẫn chứng nhiều nhưng khi đưa vào bài lại không phù hợp. Do đó, các em cần chọn nhận định, dẫn chứng phù hợp với luận đề, luận điểm thì mới làm sáng tỏ.
Một bài văn hay đạt điểm cao là bài văn trước hết cần đáp ứng được những yêu cầu về kỹ năng và kiến thức mà đề yêu cầu, thể hiện được bản lĩnh và cái tôi cá nhân của người viết, tránh rập khuôn, sáo rỗng. Thực tế có nhiều bài viết học sinh sử dụng từ ngữ bay bổng nhưng không hiểu nghĩa và đặt không đúng ngữ cảnh, khiến bài viết trở nên lan man.
Phan Hoàng Tấn
(Tổ trưởng Tổ ngữ văn, Trường THCS
Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM)
Bình luận (0)