Theo các chuyên viên bộ môn văn, toán, tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 về cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2018 cả về cấu trúc lẫn khối lượng kiến thức. Do đó, để đạt được kết quả cao trong các môn thi, bên cạnh kiến thức cơ bản từng môn, thí sinh cần nắm vững kỹ năng từng dạng bài.
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) trong giờ học môn tiếng Anh
Môn văn: thông thạo kỹ năng làm bài
Chia sẻ về đề thi môn văn, ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn văn) cho biết năm 2019, cấu trúc đề thi sẽ không thay đổi so với năm học trước khi vẫn gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm); bài thi làm trong thời gian 120 phút. Tuy nhiên, trong từng phần, học sinh cần lưu ý các điểm sau:
Ở phần Đọc hiểu: các văn bản được chọn có thể là văn bản nhật dụng, văn bản nghị luận xã hội, văn bản thường thức đời sống, văn bản khoa học… Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Trong các câu hỏi Đọc hiểu có 1 câu về tiếng Việt. Khi làm các câu hỏi Đọc hiểu, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Tránh lan man, dài dòng không cần thiết.
Ở phần Nghị luận xã hội (viết bài văn khoảng 1 trang giấy thi), học sinh lưu ý cần đảm bảo cấu trúc bài Nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm. Nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Cuối cùng, phần Nghị luận văn học: học sinh sẽ có 2 lựa chọn đề. Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc (phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình), từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…). Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Học sinh nên căn cứ vào việc nắm vững kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề để làm. Tránh việc chọn đề theo cảm hứng ngẫu nhiên. Để làm tốt câu Nghị luận văn học, người học cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này. Tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc.
Đối với môn văn, học sinh thường gặp phải một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến bài thi, đó là: phân bố thời gian không hợp lí cho các phần, các câu; đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; không nắm vững các kỹ năng làm bài, các thao tác lập luận; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về 1 ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài). Mặt khác, cũng có nhiều học sinh bị ám ảnh bởi suy nghĩ đề thi tuyển sinh là phải khó, phải có nhiều ẩn ý dẫn đến tâm trạng lo lắng, căng thẳng, áp lực, ảnh hưởng đến bài làm. Do vậy, các em hãy chuẩn bị kiến thức thật tốt, tâm trạng thật thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.
Môn toán: nắm chắc kiến thức chương trình lớp 9
Ông Dương Bửu Lộc (chuyên viên môn toán) cho hay cấu trúc đề thi năm nay vẫn giữ nguyên như năm trước; phạm vi kiến thức trong đề nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. Đề gồm 8 câu, kiến thức ở mức cơ bản chiếm khoảng 5,5 điểm với các kiến thức cổ điển: khảo sát đồ thị, định lý Viet, giải phương trình, hệ phương trình. Phần vận dụng thực tế từ 3-5 câu. Câu 8 (hình học thuần túy) sẽ có 3 phần nhỏ chiếm 3 điểm. Kiến thức hình học chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, có kế thừa các kiến thức cũ để giải.
Kiến thức nâng cao chủ yếu nằm trong phần cuối cùng ở câu chứng minh hình học. Tuy nhiên cũng ở mức nâng cao vừa phải, không quá sức với học sinh. Đòi hỏi học sinh phải đọc hiểu được dạng bài tập trong đề, liên hệ được vấn đề đó với kiến thức toán mà các em đang học. Phải hiểu được rằng sẽ vận dụng kiến thức toán của cấp nào để giải quyết bài toán đó.
Về phần kiến thức mang tính thực tiễn, liên môn sẽ nằm rải từ câu 3 đến câu 7 trong đề. Thường đề cập đến các kiến thức thực tế gần gũi trong đời sống. Để làm được dạng bài tập này, học sinh phải biết vận dụng công thức để biến đổi từ dạng công thức này sang công thức kia (đổi từ độ C sang độ K), biết biến đổi về phương trình hoặc hệ phương trình.
Ở dạng bài toán thực tế, học sinh thường dễ lúng túng vì đề dài và có sử dụng lời văn. Lời khuyên khi giải dạng bài toán này, trước tiên học sinh cần phải đọc để hiểu xem bản chất của vấn đề là như thế nào để chuyển về phương trình, hệ phương trình và giải.
Đối với phần hình học (1 câu) cũng sẽ nằm trong dạng toán thực tế (từ câu 3 đến câu 7). Điểm mới của phần kiến thức này trong kỳ tuyển sinh năm nay là kiến thức không chỉ đề cập đến các khối hình học không gian trong chương trình lớp 8 mà còn thêm khối tròn trong chương trình lớp 9. Tuy nhiên, kiến thức này trong đề sẽ ở mức vận dụng. Học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản để tính thể tích một khối hình học bất kỳ.
Phần toán thực tế và hình học không gian là 2 phần học sinh thường lúng túng và gặp khó khăn. Bên cạnh đó, học sinh cũng thường dễ mất điểm ở cách trình bày bài thi.
Nói tóm lại, để có điểm cao trong môn toán, học sinh cần phải làm nhiều bài tập trong nhiều dạng bài khác nhau. Đặc biệt là phải nắm chắc kiến thức trong chương trình lớp 9 để vận dụng, lưu ý cách trình bày khoa học, tránh gạch xóa…
Môn tiếng Anh: Nắm vững từ vựng
Thông tin về đề thi tuyển sinh lớp 10 tiếng Anh năm nay, ông Trần Đình Nguyễn Lữ (chuyên viên môn tiếng Anh) cho biết: Về cấu trúc, đề vẫn giữ nguyên như mọi năm. Tuy nhiên, phần kiến thức năm nay sẽ không đặt nặng ngữ pháp, chủ yếu vẫn nghiêng về khả năng hiểu và sử dụng tiếng Anh của học sinh. Do đó, để làm bài tiếng Anh đạt kết quả cao, học sinh cần nắm vững phần từ vựng, hiểu từ và nắm các điểm ngữ pháp cơ bản.
Phần hình ảnh thực tế (2 câu) chỉ kiểm tra khả năng hiểu các biển báo quen thuộc, ý nghĩa các biển báo và thể hiện khả năng đó bằng tiếng Anh của học sinh.
Y.Hoa (ghi)
Bình luận (0)