Đây là thắc mắc của nhiều học sinh trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 5 năm học 2019-2020 vừa diễn ra tại Trường THCS Chánh Hưng (Q.8). Tham dự có hơn 2.000 học sinh và phụ huynh các trường THCS: Sương Nguyệt Anh, Chánh Hưng, Trần Danh Ninh…
Ông Huỳnh Văn Đà (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm cung cấp những thông tin hữu ích đến các em học sinh trước khi lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THCS.
Phân biệt giữa trường chuyên và trường thường
Mặc dù trường THPT chuyên và trường THPT thường có tiêu chí để phân biệt rạch ròi nhưng nhiều học sinh vẫn chưa hiểu rõ. Để các em có cái nhìn cụ thể hơn, bà Nguyễn Đặng An Long (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM) lưu ý: Đối với trường chuyên sẽ có 4 nguyện vọng, trong đó có 2 nguyện vọng vào trường chuyên, lớp chuyên và 2 nguyện vọng vào trường chuyên nhưng lớp không chuyên. Trường chuyên thi tuyển sinh với 4 môn: toán, văn, ngoại ngữ và môn chuyên, tiêu chí xét tuyển từ cao đến hết chỉ tiêu và các bài thi của thí sinh phải đạt từ 2 điểm trở lên. Trong khi đó, trường thường chỉ có 3 nguyện vọng và thí sinh không cần phải thi thêm môn chuyên, điều kiện trúng tuyển là các bài thi không bị điểm liệt (tức 0 điểm). “Đối với trường chuyên, trong quá trình học, nhà trường sẽ dạy tập trung vào môn chuyên nên học sinh nắm kiến thức sâu rộng, vững vàng hơn nhưng cũng không kém phần áp lực; còn trường thường học ít hơn, nhàn hơn. Nhưng học ở trường nào thì các em cũng được tham dự kỳ thi THPT quốc gia cùng một lúc và đề thi như nhau”, bà An Long trấn an các em học sinh.
Trước thông tin tốt nghiệp THCS, học sinh có thể học thẳng lên CĐ để rút ngắn thời gian, công sức mà cơ hội nghề nghiệp không thua kém gì so với những bậc học khác, một học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh hỏi: “Học CĐ khác gì so với THPT?”. Giải đáp thắc mắc này, ThS. Nguyễn Quang Anh Chương (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ) cho biết, thông thường sau khi học xong THCS, học sinh học thêm 3 năm THPT với lượng kiến thức nhiều và trải qua nhiều kỳ thi, sau đó mất thêm 4, 5 năm học ĐH hoặc CĐ mới có thể đi làm việc. Nhưng đối với việc học CĐ ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì chỉ mất khoảng 3,5 năm là có ngay tấm bằng CĐ và bằng tốt nghiệp THPT để tham gia vào thị trường lao động. “Không chỉ vậy, khi học CĐ, chúng ta không mất nhiều thời gian để học những môn văn hóa, thay vào đó là tập trung vào học những ngành nghề mà mình chọn, học kỹ năng, ngoại ngữ… Nếu bản thân người học thật sự có cố gắng, chịu khó học tập thì cơ hội việc làm sau khi ra trường đảm bảo rộng mở không thua kém gì những con đường học vấn khác”, ThS. Chương nhấn mạnh.
Làm sao chống chọi với tiêu cực trong học tập, thi cử?
Liên quan đến việc tiếp tục học lên THPT, em Phạm Lê Yến Nhi (lớp 9TC1 Trường THCS Chánh Hưng) lo lắng: “Em có học lực trung bình nhưng muốn học tại Trường THPT Võ Văn Kiệt. Vậy điểm đầu vào năm nay của trường này như thế nào?”. Dưới góc độ là cán bộ quản lý giáo dục, thầy Lê Hồng Quân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt) thông tin, Trường THPT Võ Văn Kiệt là ngôi trường công lập, có điểm chuẩn cao nhất trên địa bàn Q.8. Năm 2019, điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường là 25,75 điểm; nguyện vọng 2 là 26 điểm, nguyện vọng 3 là 27 điểm. “Trước mắt, các em nên cố gắng học tập để có kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập thành công và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký nguyện vọng”, thầy Quân cho biết.
Ở khía cạnh khác, một học sinh chia sẻ: “Gia cảnh em khó khăn, nếu trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) thì nhà trường có chế độ miễn giảm cho học sinh vượt khó học giỏi không?”. Đại diện nhà trường, thầy Nguyễn Hoàng Tấn khẳng định có chế độ này. Theo thầy Tấn, hằng năm Trường THPT Nguyễn Khuyến hỗ trợ hàng chục triệu đồng để giúp đỡ học sinh nghèo có thành tích học tập tốt nhằm động viên, tạo động lực cho các em vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, học sinh còn được tặng quà, được thầy cô và bạn bè động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia hoạt động, phong trào để rèn luyện kỹ năng. “Mỗi năm, nhà trường tuyển sinh từ 800 đến 830 học sinh, riêng năm nay nhà trường có bán trú cho học sinh lớp 10”, thầy Tấn khẳng định.
Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm học 2019-2020
Trước nhiều câu hỏi về thông tin tuyển sinh, một học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh bày tỏ: “Hiện nay có nhiều thứ chi phối đến việc học tập cũng như thi cử của học sinh. Vậy làm sao để chống chọi với những thói quen tiêu cực đó?”. Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho biết đây là vấn đề mà học sinh nào cũng gặp phải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhiều nhất có lẽ là các thiết bị công nghệ. Để bảo vệ bản thân không ảnh hưởng đến việc học tập, mỗi học sinh nên viết cho mình thời gian biểu cụ thể, nhấn mạnh những việc cần làm trong một ngày. Song song đó, các em phải luôn trong tư thế nắm bắt được những thông tin liên quan đến học tập, thi cử; kết nối lành mạnh với cha mẹ, thầy cô vì họ là những người có thể giúp các em việc này. Cuối cùng là dành cho bản thân thời gian để thư giãn, xả stress mỗi khi gặp áp lực, căng thẳng…, nếu gặp vấn đề khó nên chia sẻ với gia đình và thầy cô để được hỗ trợ kịp thời.
Thông tin thêm về công tác tuyển sinh lớp 10 công lập, ông Huỳnh Văn Đà (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết từ năm học 2018-2019, điểm nghề không được áp dụng vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập mà chỉ ưu tiên để xét tốt nghiệp THCS, do đó học sinh phải cố gắng đạt được số điểm theo quy định ở những môn thi chính thức. “Đối với những trường có học sinh đăng ký xét tuyển nhiều, điểm chuẩn sẽ tăng; còn những trường ít học sinh đăng ký, điểm chuẩn sẽ giảm để tạo điều kiện cho học sinh được học tập”, ông Đà lưu ý.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)