Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi và tuyển sinh 2009: Nhiều điểm mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thứ trưởng Bành Tiến Long kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 tại Hưng Yên

Ngày 17-1-2009, tại 6 đầu cầu trực tuyến cả nước, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh 2009. So với kỳ thi và tuyển sinh 2008, năm 2009 có thêm nhiều điểm mới. Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết:
Điểm mới thứ nhất của năm nay chính là tổ chức thi theo cụm. Trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh), tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi.
Cách thức tổ chức như thế nào để phối hợp 3 trường thì các sở sẽ làm việc với Ban chỉ đạo quốc gia để thống nhất. Trong những vùng đặc biệt, khoảng cách của các trường THPT quá xa thì có thể tổ chức 1 trường THPT là 1 cụm hoặc 1 cụm thi 2 trường. Nhưng điều đó đều phải có sự thống nhất của Bộ GD-ĐT. Làm như vậy thì chúng ta mới đảm bảo mặt bằng chung chất lượng, kỷ cương chung đối với 1 kỳ thi quốc gia.
Vấn đề thứ hai là năm nay thi tốt nghiệp THPT chấm chéo điểm giữa các tỉnh với nhau theo kiểu tỉnh A chấm cho tỉnh B, tỉnh B chấm cho tỉnh C, tỉnh C chấm cho tỉnh A… Tỉnh nào tổ chức chấm thi thì phải làm hết quy trình chấm thi từ đầu đến cuối, kể cả phúc khảo. Chỉ gửi kết quả cho những tỉnh mà mình chấm điểm. Đây là hai điểm mới cốt lõi nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 này. Còn điểm mới nữa là năm nay sẽ huy động lực lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi và thanh tra ủy quyền, đặc biệt là những trường tổ chức thành một cụm thi.
PV: Liệu có sự không khách quan trong việc chấm chéo không, thưa ông?
– Việc các tỉnh có thể “bắt tay nhau” theo chúng tôi là không thể xảy ra, có muốn cũng không làm được. Vì việc quy định tỉnh nào chấm cho tỉnh nào, Cục KT&KĐCLGD cũng như Ban chỉ đạo thi sẽ tổ chức để đề xuất. Thứ hai là không phải chấm tay đôi mà quay theo dạng vòng tròn. Thứ 3 trong đáp án thang điểm đã rõ ràng, quy trình chấm rất chặt chẽ, nên chúng tôi rất yên tâm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, từ năm 2008, thanh tra ủy quyền đã bắt đầu bộc lộ sự “nể nang” đối với các tỉnh. Năm nay, Bộ có giải pháp gì không?
– Năm nay chúng tôi đặc biệt chú ý đến chất lượng các trường cử cán bộ đi làm thanh tra ủy quyền. Thanh tra ủy quyền phải có đủ trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm.
Việc tăng cường cán bộ các trường làm công tác coi thi có không thưa ông?
– Tăng cường cán bộ coi thi, chúng tôi cho rằng vẫn ổn định như năm 2008. Ngoại trừ khi tổ chức một kỳ thi quốc gia thì vai trò của tất cả các trường ĐH, các sở GD-ĐT là như nhau.
Cho đến thời điểm này, ông có thể cho biết bao giờ một kỳ thi quốc gia sẽ diễn ra?
– Chúng ta sẽ phấn đấu theo đúng lộ trình đã được đề ra cách đây gần 3 năm. Năm 2010 sẽ cố gắng thực hiện. Bộ đã giao cho Cục KT&KĐCLGD thành lập ban đề án. Đề án này tiếp nối những đề án trước. Vừa rồi đã xây dựng khung chính sách đối với tuyển sinh, phương án thi như thế nào, rồi kỳ thi năm nay cũng có tính chất quyết định đến kỳ thi của năm 2010. Về cơ bản thì xã hội đồng thuận cao về tổ chức một kỳ thi quốc gia. Chỉ có điều chúng ta phải tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc như từ trước tới nay chúng ta đã tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)