TS dự thi vào Đại học Kiến trúc năm 2009 |
Chọn ngành theo sở thích là một trong những định hướng đúng đắn của thí sinh (TS), tuy nhiên có những ngành ngoài việc yêu thích TS còn phải hội đủ những điều kiện nhất định.
Chuẩn bị kỹ phần thi năng khiếu
ThS. Trần Minh Đức (Trường ĐH Sài Gòn) khuyên TS nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với các phần/khối thi năng khiếu. Không tìm hiểu kỹ năng thông tin cơ bản, đọc sơ sài các yêu cầu dành cho việc thi năng khiếu trên giấy báo dự thi, không chuẩn bị đủ dụng cụ dự thi… là một trong những lỗi phổ biến khiến nhiều TS bị đánh trượt trong các năm trước.
Có ngành thi năng khiếu yêu cầu phải sơ tuyển nhưng cũng có ngành bỏ qua phần này. Điển hình như tại ĐH Mĩ thuật TP.HCM, TS thi vào hệ chính quy các ngành hội họa, đồ họa, sư phạm mĩ thuật, mĩ thuật ứng dụng phải nộp 2 bài sơ tuyển (hình họa vẽ người trên khổ giấy 40 x 60cm) trực tiếp cho phòng đào tạo của trường trước ngày 20-5 và không nhận hồ sơ qua đường bưu điện. Tương tự, đối với ngành điêu khắc, TS phải nộp bài sơ tuyển tượng chân dung cao 30cm hoặc bức chạm nổi khổ 20 x 30cm.
Để giúp TS hoàn thành tốt phần thi năng khiếu, ThS. Nguyễn Nguyên Bình (Trưởng Phòng đào tạo, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) có một số hướng dẫn cụ thể như sau. Với ngành giáo dục mầm non và giáo dục đặc biệt, TS trải qua 4 phần thi bắt buộc (hát, thẩm âm, múa, đọc diễn cảm) và phần thi không bắt buộc (biểu diễn nhạc cụ). Phần thi hát không có người đệm đàn, TS có thể tự đệm. Phần thẩm âm với 2 câu nhạc, TS bốc thăm và lần lượt nghe đàn từng câu rồi thể hiện lại bằng cách đọc thông qua chữ “la”. Phần múa yêu cầu TS múa 1 bài đã chuẩn bị sẵn, có thể vừa múa vừa hát hoặc dùng nhạc có sẵn trong băng cassette. TS chưa biết múa có thể thực hiện theo động tác mẫu do giảng viên hướng dẫn. Phần đọc diễn cảm, TS đọc 1 bài thơ hoặc mẫu chuyện theo yêu cầu dưới hình thức bốc thăm và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Phần biểu diễn nhạc cụ, nếu TS biểu diễn trọn vẹn 1 tác phẩm (đàn Organ, Guitar, tranh, sáo…) sẽ được cộng điểm vào phần thi năng khiếu.
Đối với TS thi vào chuyên ngành âm nhạc của ngành quản lý văn hóa thì phần thi hát được khuyến khích bởi thể loại dân ca hoặc các bài hát mang âm hưởng dân ca, không chấp nhận thể loại cải lương, tuồng, chèo cổ. Ở phần biểu diễn nhạc cụ, sẽ cộng từ 0,25 đến 1 điểm cho những TS biểu diễn tương đối thuần thục về mặt kỹ thuật, sắc thái diễn cảm của tác phẩm; không cộng điểm cho TS chỉ ở mức độ biết sử dụng. Khi vào thi ngành sư phạm mĩ thuật và đồ họa, TS cần chuẩn bị 1 bảng vẽ 40 x 60cm, bút chì mềm, tẩy chì, dao gọt chì, kẹp giấy lớn, que đo, dây dọi, khay pha màu, ca hoặc lon đựng nước pha màu, màu nước hoặc màu bột, keo vẽ, cọ vẽ, thước kẻ…
Những ngành học “đòi hỏi” tiêu chuẩn
Khi lựa chọn, TS cần phải lưu ý đến một số trường, ngành có các giới hạn về giới tính, hình thể, ngoại ngữ… Chẳng hạn, các ngành đào tạo sư phạm ở nhiều trường đều không tuyển TS bị dị hình, dị tật, nói ngọng – lắp. TS thi vào ngành văn hóa du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM phải không bị khuyết tật, nam cao 1,6m, nữ cao 1,55m trở lên. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có những ngành chỉ dành cho nam như điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy. Theo đó, yêu cầu tổng thị lực hai mắt phải đạt 18/10 trở lên; không mắc các bệnh khúc xạ; phải nghe rõ khi nói thường cách 5m và nói thầm cách 0,5m; nặng 45kg trở lên. TS vào ngành điều khiển tàu biển phải cao từ 1,62m trở lên; ngành khai thác máy tàu thủy phải cao 1,58m trở lên. TS thi vào các trường ĐH thể dục thể thao phải có cơ thể cân đối; không dị tật, dị hình; nam cao 1,65m, nặng 45kg trở lên; nữ cao 1,55m, nặng 40kg trở lên.
Trường ĐH FPT tổ chức thi sơ tuyển vào tháng 4 với 2 môn: trắc nghiệm (toán; tư duy logic) và viết luận. Để đủ điều kiện học tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, TS phải có tối thiểu TOEFL 500 điểm…
Bài, ảnh: M.T
Bình luận (0)