Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi vào… lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù ngành giáo dục vẫn nói “thi đầu vào” lớp 1 chương trình tăng cường ngoại ngữ chỉ là cuộc trò chuyện vui vẻ, nhưng áp lực chỗ học khiến phụ huynh và cả trẻ không vui vẻ chút nào.

Khảo sát năng khiếu vào lớp 1 tăng cường tiếng Anh ở Q.1, TP.HCM – Ảnh: D.Đ.Minh

Tiếng Hoa, tiếng Pháp: nhẹ nhàng
Đơn giản nhất là chương trình tăng cường tiếng Hoa, ông Nguyễn Tiến Trực – Trưởng phòng Giáo dục Q.5 (TP.HCM) cho biết: “Chương trình tăng cường tiếng Hoa ưu tiên tuyển con em người Hoa mà không cần phải thực hiện khảo sát. Phụ huynh học sinh chỉ cần tìm hiểu trên địa bàn quận có những trường tiểu học nào có tổ chức chương trình này thì đăng ký mà thôi”. Còn đối với chương trình tăng cường tiếng Pháp tại TP.HCM không yêu cầu hộ khẩu thường trú hay KT3, không có quy định phân tuyến. Tất cả học sinh có nhu cầu theo học đều có thể đăng ký dự khảo sát, các trường sẽ lấy điểm từ cao trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thời điểm các trường phát hành hồ sơ thông thường là vào đầu tháng 6, khảo sát khả năng ngoại ngữ vào cuối tháng 6.
Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3), một trong 5 trường tiểu học tại TP.HCM có lớp tăng cường tiếng Pháp tư vấn: “Cho dù đề khảo sát môn tiếng Pháp do Bộ ban hành nhưng phụ huynh không nên lo lắng. Nội dung khảo sát không đòi hỏi học sinh phải biết trước tiếng Pháp vì đó chỉ đơn giản là những trò chơi, những câu chữ, những bức tranh để học sinh có thể phát hiện những điểm khác biệt hoặc chỉ cần học sinh tả một cách đơn giản nhất mà thôi. Về kỹ năng phát âm, các em sẽ lặp lại từ cô giáo vừa đọc mà không cần hiểu nghĩa”.
Áp lực với tiếng Anh
Vào tháng 6 hằng năm khi phòng giáo dục các quận huyện công bố kế hoạch tuyển sinh lớp đầu cấp sẽ có những thông tin chi tiết về phân tuyến, thời điểm phát hành và nộp hồ sơ tuyển sinh. Trong mỗi bộ hồ sơ được phát hành đều có thông báo chi tiết về chương trình tăng cường ngoại ngữ, nếu phụ huynh học sinh có nhu cầu cho con em mình theo học thì điền vào hồ sơ đăng ký. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng quận và của mỗi môn ngoại ngữ thì thời điểm thực hiện khảo sát khả năng học ngoại ngữ sẽ dao động ở khoảng thời gian từ đầu tháng 7 cho đến giữa tháng 8.
Áp lực tuyển sinh lại đặt nặng đến những trường tiểu học có mở lớp tăng cường tiếng Anh đặc biệt từ năm học 2008 – 2009 khi UBND TP.HCM nghiêm cấm các quận, huyện nhận học sinh trái tuyến. Thế nên chỉ sau khi công bố học sinh đủ điều kiện trúng tuyển với các tiêu chí như đúng độ tuổi, đúng phân tuyến theo hộ khẩu thường trú hoặc KT3 thì các quận, huyện mới tổ chức cho các trường tiểu học thực hiện khảo sát khả năng ngoại ngữ.
Tuy vậy bà Hoàng Thị Hồng Hải – Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú đặt ra tình huống được coi là khá “tiểu xảo” của phụ huynh: “Khá nhiều phụ huynh ở các quận, huyện lân cận, ít trường có lớp tăng cường ngọai ngữ đã tìm mọi cách để chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu cho con mình vào nhà họ hàng, bạn bè với lý do đi làm xa để con mình được hợp thức hóa theo phân tuyến. Vì vậy đến mùa tuyển sinh, chúng tôi phải phối hợp với các phường xã và làm việc thật rốt ráo để kiên quyết loại trừ những trường hợp trên”.
Quyết tâm kiểu đó của phụ huynh đôi khi cũng chỉ bởi quyết định theo phong trào. Trong khi theo chị Tố Loan – phụ huynh học sinh tại Q.1 thì: “Quan niệm của tôi thì khác, những năm trước do chất lượng giảng dạy tiếng Anh chưa đồng đều nên tâm lý phụ huynh học sinh cứ nhất định phải cho con vào học tăng cường tiếng Anh. Còn hiện nay chất lượng ngày được nâng cao, có chăng lớp tăng cường tiếng Anh chỉ học số tiết nhiều hơn mà thôi nhưng bản thân tôi lại thích cháu có nhiều thời gian tiếp xúc với các môn học bằng tiếng Việt. Điều này rất quan trọng với những năm học đầu đời”.
Có cần phải “ôn thi”?
Chị Huỳnh Mỹ Khanh (Q.5, TP.HCM) ngay từ tháng 1 đã thăm dò khắp nơi để tìm chỗ ôn luyện ngoại ngữ cho con gái của mình vì “không cho cháu đi học thêm thì không yên tâm”.
Hiện nay tại một số trường mầm non của TP.HCM có ký kết giảng dạy với trung tâm Anh ngữ uy tín và coi việc học ngoại ngữ như một hoạt động ngoại khóa. Bà Tôn Nữ Thị Kim Anh – Hiệu trưởng trường Mầm non Bến Thành (Q.1) cho biết: “Được coi là hoạt động ngoại khóa nên việc tiếp xúc với tiếng Anh trong trường mầm non chỉ giúp học sinh vừa học vừa chơi chứ không nhằm mục đích ôn luyện để khảo sát năng khiếu vào lớp 1. Hằng năm, trước khi ký kết hợp đồng nhà trường đều yêu cầu bên trung tâm ngoại ngữ cung cấp nội dung, chương trình giảng dạy, bên cạnh đó nhận phản hồi của phụ huynh học sinh để xem xét có nên tiếp tục thực hiện hay không?”.
Chỉ là cuộc trò chuyện vui vẻ
“Cha mẹ học sinh đừng nên lo lắng, thi đầu vào chương trình tăng cường ngoại ngữ là cuộc trò chuyện vui vẻ giữa giáo viên và học sinh để chọn ra những em có ham thích học ngoại ngữ bên cạnh đó có thêm một số tố chất như bắt chước giỏi, phát âm tốt (không ngọng bởi quá trình giao tiếp sẽ bị phá vỡ nếu phát âm không chuẩn) rồi sau đó mới kể đến sự sáng dạ, tinh mắt dùng để ghi nhớ từ đã học và có năng lực tạo ra những lời nói khác có tình huống”.
Ông Lê Ngọc Điệp Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM
Từ 2010 sẽ thí điểm là môn bắt buộc
TP.HCM là địa phương duy nhất có đề nghị với Bộ GD-ĐT đưa môn tiếng Anh vào tăng cường giảng dạy trong các trường tiểu học công lập. Sở GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc đưa môn học tự chọn này.  Tuy nhiên, hằng năm, Bộ GD-ĐT vẫn theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện của mô hình này qua báo cáo của Sở GD-ĐT chứ không “khoán trắng” cho các địa phương. Hiện nay, do vẫn là một môn học tự chọn nên tùy theo nhu cầu của phụ huynh học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của trường mà việc tăng cường tiếng Anh ở mỗi trường mỗi khác. Có nơi thì dạy 6 tiết/tuần, có nơi là 8 tiết/tuần. Về mặt nội dung giảng dạy, Bộ GD-ĐT cho phép các trường được lựa chọn 1 trong 3 giáo trình: Let’s Go (NXB Oxford), Let’s Learn English (NXB Giáo dục) và một giáo trình của Trung tâm công nghệ giáo dục VN. Cũng theo ông Hùng: Bắt đầu từ năm 2010, môn tiếng Anh sẽ được thí điểm thực hiện là môn học bắt buộc ở những nơi có đủ điều kiện, thời lượng quy định  là 4 tiết/tuần.
Ông Nguyễn Song Hùngchuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT)
Bích Thanh (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)