Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi vào lớp 10 như ngồi trên đống lửa

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này, các nhà trường và gia đình có con em chuẩn bị thi vào lớp 10 đang như ngồi trên 'đống lửa' với rất nhiều lo toan và áp lực từ những lời 'đồn đoán' về mức độ căng thẳng của kỳ thi năm nay.
Thí sinh dự kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội năm học 2017 - 2018 /// Ảnh: Ngọc Thắng
Thí sinh dự kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội năm học 2017 – 2018. ẢNH: NGỌC THẮNG
Quay cuồng với văn và toán
Tuy chưa có hướng dẫn chính thức nhưng ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã khẳng định việc tuyển sinh vào lớp 10 năm nay về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm trước, kết hợp việc xét học bạ 4 năm học THCS với việc thi 2 môn văn và toán. Trong đó, điểm 2 môn thi tính hệ số 2.
Hiện nay, nhiều trường THCS đã dồn thời gian chủ yếu để tập trung vào 2 môn thi: toán và văn cho học sinh (HS) khối lớp 9. Nhiều nhà trường và gia đình càng lo lắng hơn khi năm nay lứa tuổi sinh năm 2003, theo quan niệm dân gian là tuổi “dê vàng” vào lớp 10 khiến số lượng HS dự thi ở Hà Nội tăng tới hơn 22.000 so với năm trước.
Một HS lớp 9 đang học tại một trường THCS ở Q.Đống Đa (Hà Nội) cho biết, cô giáo dạy môn toán (đồng thời là cô chủ nhiệm) chủ động “xin” tiết của giáo viên (GV) các bộ môn khác (trừ môn văn) để dạy toán. Thành ra, từ đầu tháng 3 đến nay, những môn như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật… hầu như không học, còn những môn khác thỉnh thoảng thầy cô mới lên lớp…
Tỷ lệ đỗ vào lớp 10 công lập cũng là áp lực của thầy cô các trường THCS, nhất là với những trường vốn sẵn mang danh “trường điểm”. Mỗi tháng, GV tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức để phụ đạo kịp thời. Nhiều trường đã lên kế hoạch tăng cường 2 môn thi toán và ngữ văn cho HS vào thời điểm “nước rút”, phụ huynh phải đóng hàng triệu đồng mỗi HS để chi trả cho việc học tăng cường này.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rất ít gia đình chỉ yên tâm với việc học ở trường THCS là đủ. Hầu hết đều tìm chọn những GV phù hợp với mục tiêu chọn trường của con em mình để học thêm 2 môn toán, văn, chưa kể còn mời thêm gia sư đến nhà kèm cặp vào những buổi trống.
Khóc vì không kịp đăng ký thi… thử
Câu chuyện một phụ huynh bật khóc trước cổng trường THPT chuyên ngoại ngữ chỉ vì không kịp đăng ký dự kỳ thi thử cho con vào trường đã nhận được nhiều bình luận, chia sẻ của dư luận xã hội. Các ý kiến đều đồng quan điểm rằng kỳ thi vào lớp 10 vốn quá áp lực và căng thẳng khi mà ước mơ vào trường chuyên, mong ước vào trường công lập có tiếng của phụ huynh và cả HS lớn hơn quá nhiều so với khả năng đáp ứng.
Áp lực này không chỉ đè nặng với HS có học lực mức trung bình hoặc yếu mà còn cả với HS giỏi. Các HS này phải “đấu” với những HS giỏi khác để vào được ngôi trường mà bố mẹ kỳ vọng. Nắm bắt tâm lý này, các trường danh tiếng như THPT chuyên ngoại ngữ, THPT chuyên khoa học tự nhiên, THPT chuyên sư phạm, Nguyễn Tất Thành… đều tổ chức tới vài đợt thi thử. Ví dụ, THPT chuyên ngoại ngữ thông báo năm nay tổ chức tới 3 đợt thi thử với mức học phí 450.000 đồng/HS và lần nào cũng rất đông HS tham dự.
Có không ít HS đăng ký dự thi thử cả 3 lần ở một trường, và ở nhiều trường khác nhau. Nhiều HS ở các tỉnh thành phía bắc “khăn gói” lên Hà Nội thi thử và học “luyện thi cấp tốc” do các trường chuyên tổ chức vào mỗi cuối tuần, dù biết rằng điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và thời gian của các em.
Không chỉ các trường, nhiều trung tâm luyện thi cũng mở ra các dịch vụ thi thử với nhiều hình thức khác nhau như thi thử tại chỗ, thi thử qua mạng… để đánh vào tâm lý lo lắng của thí sinh và phụ huynh.
Tăng chỉ tiêu để nhiều HS được vào trường công
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã trình UBND TP.Hà Nội hướng dẫn về tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, trong đó có lớp 10. Dự kiến lịch thi THPT sẽ rơi vào khoảng tuần đầu tiên của tháng 6.
Xung quanh những lo ngại về lượng HS vào lớp 10 năm nay tăng đột biến, ông Đại cho hay, theo đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội, tất cả các trường trên địa bàn TP đều được tính toán kỹ về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng chỉ tiêu tối đa, đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Bên cạnh việc tăng lớp thì còn chấp nhận tăng sĩ số HS/lớp ở các trường công lập, ví dụ năm trước là
 
40 HS/lớp thì năm nay có thể phải chấp nhận sĩ số là 45 HS/lớp. “Tất cả những giải pháp đó nhằm đảm bảo tỷ lệ HS vào lớp 10 THPT công lập vẫn giữ ổn định như các năm trước. Do vậy, phụ huynh và HS không nên lo lắng về việc thiếu chỗ học trong trường công lập so với các năm trước”, ông Đại nói.
Bốc thăm, gộp môn thi để tuyển sinh vào lớp 10

Theo công bố của Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng vào cuối tháng 3 vừa qua, môn cuối cùng mà Sở tổ chức bốc thăm cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới là vật lý. Như vậy, HS tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải dự thi 4 môn toán, văn, tiếng Anh và vật lý. Trong đó, tiếng Anh và vật lý nằm trong bài thi tổ hợp.
Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cũng vừa công bố môn thi thứ 3 (ngoài toán và ngữ văn) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019 là bài thi tổ hợp. Đây là lần đầu tiên Sở này áp dụng bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan, gồm 50 câu (trong đó môn ngoại ngữ 20 câu, giáo dục công dân 15 câu và sinh học 15 câu). Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết việc thay đổi này nhằm thúc đẩy việc giáo dục toàn diện cho HS. Trong tháng 4, Sở GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa để các nhà trường hình dung về bài thi tổ hợp, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến góp ý để hoàn thiện đề thi chính thức vào tháng 6 tới.

Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)