Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi vào lớp một căng như thi đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 21/6, tại Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, diễn ra cuộc đua tranh vào lớp một của khoảng 1.500 thí sinh nhí. Nhưng không khí căng thẳng hơn cả lại nằm ngoài phòng thi, chỗ  các ông bố bà mẹ đang chầu chực chờ con.

Cả nhà cùng đi thi. Ảnh Quý Hiên
Sáng 21/6 là một sự kiện quan trọng với bé Uyên Nhi (tập thể ĐH Giao thông Vận tải, Láng Thượng, Hà Nội), thi vào lớp một Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.
Phòng thi số 27 của bé được nhà trường bố trí thi vào đợt ba trong buổi (từ 10 giờ sáng) nên bé không phải dậy sớm như những bạn thi đợt một (từ 8 giờ sáng).
Tuy nhiên, bé khá hồi hộp (theo như lời mẹ bé kể thì, tối hôm trước, bé hơi khó ngủ, sáng hôm sau tỉnh giấc từ rất sớm) và căng thẳng (khi người quen của gia đình bé muốn xem phiếu dự thi thì bé cương quyết không cho dù bình thường bé khá cởi mở).
10 giờ mới tới lượt thi nhưng gia đình bé Uyên Nhi rời khỏi nhà từ lúc 8 giờ 30. Mẹ bé hy vọng đến nơi sẽ kịp gặp những bạn vừa kết thúc buổi thi đợt một để hỏi kinh nghiệm. Ngồi trên xe, trên đường đi, cả nhà chỉ bàn tán chuyện thi cử.
Câu chuyện đang rôm rả thì có điện thoại gọi mẹ bé Nhi. Người gọi là bạn vừa thi đợt một xong hỏi Nhi đã đi thi chưa. Mẹ Nhi rất quan tâm tới đề thi. Theo như cô bé vừa thi xong, giám khảo yêu cầu kể chuyện theo tranh (chủ đề con nhím và quả táo).
Cô bé vừa thi kể trong điện thoại giọng rất ngọt ngào. Nhi bình thường nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng, trước khi thi, ai hỏi gì cũng im lặng và trả lời rất nhỏ.
Quang cảnh đông vui, náo nhiệt ở sân trường khiến mẹ con bé Nhi đỡ hồi hộp hơn. Hầu như mỗi thí sinh đi thi đều có gia đình cùng đi nên dù đã chia thí sinh dự thi thành ba ca khác nhau nhưng trong các phòng chờ và sân trường lúc nào cũng túc trực hơn ngàn người.
Bé Nguyễn Thịnh Huy (sinh tháng 8/2006) là một trong hơn ngàn người đó. Bé ngồi cạnh mẹ (chị Phạm Minh Nguyệt, 101 Láng Hạ) và tận hưởng túi nước mía. Bố bé đang đi loanh quanh đâu đó trong sân trường cho đỡ chồn chân.
Cả nhà đang đợi chị của bé (chị Thảo, thí sinh phòng thi 31). Chị Thành Minh Hiền (Cty IECC, số 23 Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội), một phụ huynh đưa con đi thi giải thích: “Cả bố và mẹ đều muốn được đưa con đi thi. Để cháu lớn ở nhà một mình thì không đành. Thôi thì cả nhà cùng đi một thể, xem như đi chơi, buổi trưa thi xong vào đâu đó cùng ăn trưa, đỡ phải về nhà nấu nướng lích kích”. 
Vượt vũ môn
Bé đang kể lại chuyện con nhím và quả táo cho mẹ nghe
Theo danh sách mà nhà trường công bố, kỳ thi có sự tham gia của khoảng 1.500 thí sinh (học lớp tiếng Anh) trong khi chỉ tiêu lấy vào là 350. Trên diễn đàn webtretho
(http://www.webtretho.com/forum/showthread.php?t=185667&page=5), một phụ huynh là thành viên của diễn đàn chia sẻ:
“Em xin gia nhập box này vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi mà chỉ còn chưa đầy một ngày nữa là con cái của chúng ta sẽ vượt vũ môn. Hi vọng chit chat (tán gẫu) được với các mẹ cho đỡ hồi hộp”.
Cung ít hơn cầu là một trong những yếu tố khiến kỳ thi đầu vào ở các trường tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao là một áp lực với các ông bố, bà mẹ.
Cách đây hai tháng, Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Siêu cũng tổ chức thi đầu vào lớp một. Hơn 500 thí sinh dự thi để chọn 160 học sinh. Sau khi công bố kết quả, lãnh đạo trường này phải trốn nghe điện thoại.
Chị Đặng Hồng Liên (Kế toán Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam) kể về việc cả nhà đi mua bánh ga tô vào đêm trước buổi thi, cô con gái chị (bé Đỗ Hạnh Quyên) cứ một mực đòi phải phun thêm vào bánh dòng chữ Chúc mừng Quyên thành công.
Theo hộ khẩu, bé Quyên là học sinh diện đúng tuyến ở Trường Tiểu học H.D – một trường có tiếng của quận Ba Đình. Tuy nhiên, với chị Liên, trường H.D là sự lựa chọn thứ yếu, phòng khi bé Quyên trượt Đoàn Thị Điểm.
Chị Liên cho biết: “Tôi thích con mình học trường tư vì họ có dịch vụ trọn gói, phụ huynh không phải băn khoăn gì về việc học thêm học nếm như ở trường công. Hơn nữa, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trường tư thân thiện hơn trường công”.
Một số phụ huynh khác thì cho biết, họ cho con mình thi vào trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là bởi con được chơi. Chị Phạm Minh Nguyệt (101 Láng Hạ) nói: “Áp lực học tập ở các trường công lớn quá trong khi trẻ ở tiểu học thì việc chơi vẫn là một yếu tố quan trọng”. 
Những thí sinh không thích thi cử
Theo mô tả của các thí sinh, nội dung thi có ba phần: Kiểm tra tiếng Việt (kể chuyện theo tranh có chủ đề con nhím và quả táo); kiểm tra tiếng Anh (giám khảo đọc một số từ tiếng Anh, thí sinh đọc theo); kiểm tra khả năng tư duy (vẽ theo mẫu).
Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều em tỏ ra không thích trả lời hoặc, nếu cố gắng trả lời, cũng không biết kể lại diễn biến buổi thi thế nào. Một phụ huynh có con (là thí sinh có mã số K22) thi ở phòng 31 sau một hồi tra khảo lắc đầu thở dài.
“Con thi cử thế này uổng công chuẩn bị của bố mẹ quá”. Khi hai bố con quyết định ra về, thí sinh này đề nghị đi mua đồ chơi, bố cậu cáu: “Bài thì con không nhớ, nhưng đồ chơi thì con nhớ!”.
Được biết, phần lớn thí sinh dự thi vào trường Đoàn Thị Điểm đều tham gia CLB Tuổi Thơ (mở ra từ đầu tháng 4/2009). Trong tháng 4 và 5, học viên được học một tuần hai ngày (thứ Bảy, Chủ nhật).
Quý Hiên (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)