Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thị xã Hà Tiên: Phấn đấu là thành phố văn hóa-du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Là một trong 10 danh thắng du lịch nổi tiếng Việt Nam, Thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đang phấn đấu trở thành đô thị loại 3, mang đậm nét đặc trưng của thành phố văn hoá – du lịch, trong năm 2013, sớm hơn dự kiến 2 năm.
Mũi Nai, một trong những thắng cảnh của Hà Tiên
Nhiều lợi thế về du lịch – văn hoá
Với những thuận lợi về vị trí địa lý, Hà Tiên được coi là cửa ngõ giao thương quốc tế với Campuchia và nhiều nước trong khu vực cả trên bộ và trên biển. Được khai mở từ đầu thế kỷ XVII, Hà Tiên nổi tiếng với 10 danh lam thắng cảnh – được người xưa gọi là thập cảnh thiên phú – với những cái tên tứ âm nghe rất tuyệt (Hà Tiên thập vịnh được Tổng trấn Mạc Thiên Tích đề xướng từ năm Bính Thìn 1736). Đó là Đông Hồ Ánh Nguyệt, Bình San Điệp Thúy, Thạch Động Thôn Vân, Lộc Trĩ Thôn Cư, Kim Dự Lan Đào, Tiêu Tự Thần Chung, Châu Nham Lạc Lộ, Giang Thành Dạ Cổ, Lư Khê Ngự Bạc, Nam Phố Trừng Ba.
Với thời tiết thuận hoà, quanh năm nắng vàng, ngay cạnh biển xanh hiền hoà, Hà Tiên luôn có một nét duyên dáng, hấp dẫn riêng, gắn liền với cốt cách người Hà Tiên suốt chiều dài lịch sử khai hoang mở đất.
Ông Võ Thành Dân, Trưởng phòng Đô thị Thị xã Hà Tiên cho biết, mỗi thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử ở Hà Tiên đều gắn với lịch sử và văn hóa bản địa cũng như các hình thái khai phá phát triển trấn Hà Tiên xưa.
Đó là Bảo tàng nhà thơ Đông Hồ, chùa Cô Năm, mộ Bà lớn tướng Lê Kim Định, đền Phó Cơ Điều, Sắc tứ Tam Bảo tự, chùa Phù Dung…
Về ẩm thực, Hà Tiên cũng nổi tiếng với nhiều món ăn đặc trưng như bánh thốt nốt, bún kèn, cá nhám nấu canh chua sả nghệ, trái cây sơn trà…
Lấy thương mại – du lịch –  dịch vụ làm nòng cốt
Nằm trong “Tam giác du lịch” của tỉnh Kiên Giang, gồm Rạch Giá- Hà Tiên và Phú Quốc, Hà Tiên là cửa ngõ quan trọng để kết nối các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Hà Tiên có cửa khẩu quốc tế nối với Campuchia, có bến tàu cao tốc nối Hà Tiên với Phú Quốc, có tuyến Quốc lộ 80 nối với Rạch Giá (dài 90 km), cùng các tuyến N1 và N2 nối với Thị xã Châu Đốc (80 km)…
Trong 7 tháng đầu năm nay, Thị xã Hà Tiên đã đón hơn 779.000 lượt du khách, đạt 67,16% kế hoạch cả năm với doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 212,5 tỷ đồng, tăng 26,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, Hà Tiên sẽ đón một triệu lượt du khách trong   năm nay.
Doanh thu bán lẻ từ hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch hàng năm của Hà Tiên đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GDP của Thị xã đạt bình quân trên 19%/năm, nhờ đó mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Hà Tiên đạt 2.500 USD/năm, mức khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới của Thị xã chỉ ở mức 3,5%.
Ông Dương Quảng Bình, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Hà Tiên cho biết, Hà Tiên đã chọn mục tiêu thương mại, dịch vụ, du lịch làm trọng tâm để kêu gọi đầu tư và thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển. Đến nay, đã có 34 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có dự án đầu tư vào Thị xã trong nhiều lĩnh vực, như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi du lịch sinh thái, xây dựng khu dân dân cư Bình San, khu dân cư lấn biển, trung tâm thương mại, bến xe tàu khách…
Phát huy thế mạnh về kinh tế mậu biên, Hà Tiên đang kêu gọi và ưu đãi giảm tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Thuận Yên (rộng 140 ha) và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.
Khu kinh tế cửa khẩu đang được xúc tiến triển khai xây dựng các khu chức năng, gồm khu bảo thuế (đã chi trả đền bù giải toả), siêu thị hàng miễn thuế (đã san lấp xong mặt bằng và lập hồ sơ thiết kế), chợ biên giới (đang được Công ty Du lịch – Thương mại Kiên Giang triển khai đầu tư), Kho ngoại quan (đang lập hồ sơ thiết kế).
Nhằm đạt mục tiêu lên đô thị loại 3 trước kế hoạch 2 năm, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch UBND Thị xã Hà Tiên cho biết, thời gian qua, địa phương đã tranh thủ khai thác và cân đối các nguồn vốn từ ngân sách, nhà đầu tư và nhân dân để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị… làm cho bộ mặt Thị xã ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong đó, đáng chú ý là, vốn của các nhà đầu tư và nhân dân cao  gấp 2 – 3 lần so với vốn ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng các khu dân cư như Khu dân cư Bình San, hai khu lấn biển đô thị mới và khu Tô Châu (trên 200 ha) có tổng kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, các công trình giao thông, phúc lợi công cộng như bệnh viện, trường học, điện, nước, xử lý chất thải… được đầu tư mới và nâng cấp vượt công suất phục vụ cho hơn 45.000 người dân của Thị xã hiện nay.
“Xét theo tiêu chuẩn đô thị loại 3 của Bộ Xây dựng, thì hiện Hà Tiên đã đạt trên 70% các tiêu chí cơ bản thuộc tất cả các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa – giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, chất lượng cuộc sống người dân… Hà Tiên sẽ phấn đấu sớm hoàn thành 30% tiêu chí còn lại. Trên cơ sở đó, Tỉnh sẽ trình Chính phủ xem xét công nhận Hà Tiên là đô thị loại 3 vào năm 2013, vượt trước kế hoạch 2 năm”, ông Huỳnh cho biết.
Thị xã Hà Tiên được Chính phủ quy hoạch đến năm 2015 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và là đô thị ven biển phía Nam, nhằm làm động lực phát triển tuyến biên giới. Theo đó, kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia đã được Chính phủ quy hoạch, gồm đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Hà Tiên- Rạch Giá- Cần Thơ, Tuyến quốc lộ N1 và N2 nối với vùng Tứ giác Long Xuyên. Riêng tuyến đường hành lang ven biển phía Nam từ Cà Mau đến Campuchia và Thái Lan qua địa phận cửa khẩu Hà Tiên đang được triển khai nhằm liên kết phát triển kinh tế các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Với vị trí chiến lược đó cùng với sự phấn đấu của địa phương, trong tương lai không xa, Hà Tiên sẽ mở ra nhiều vận hội mới để góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại – dịch vụ – du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, không chỉ cho riêng mình, mà còn cho cả tỉnh Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Huy Thịnh
(baodautu.vn)

Bình luận (0)