Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thích ứng an toàn nhưng không chủ quan, lơ là với dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Những hoạt động, sinh hoạt với sự chủ quan, lơ là và thiếu kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn. Từ kinh nghiệm của những làn sóng dịch trước đây, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ và mong muốn người dân, chính quyền địa phương tiếp tục cảnh giác, nêu cao trách nhiệm phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng mang cái riêng của mình – ý thức trách nhiệm cá nhân góp vào cái chung để mở ra bước ngoặt mới trong chống dịch và khôi phục kinh tế.
Nhiều người đang truyền lối sống chủ quan

TPHCM trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với 3 đợt trước, do biến thể Delta lây lan nhanh, mạnh. Cả hệ thống chính trị thành phố đã quyết tâm, toàn dân đồng lòng chống dịch. Thành phố cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương cùng sự hỗ trợ tích cực, nghĩa tình và trách nhiệm của các địa phương trong cả nước trong suốt thời gian qua. Đây là nguồn động lực quan trọng để thành phố chuyển trạng thái từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128  của Chính phủ.
Thích ứng an toàn nhưng không chủ quan, lơ là với dịch Covid-19 ảnh 1
Nhân viên cây xanh đang chăm sóc hoa kiểng tại Công viên Tao Đàn, quận 1 – trang điểm lại cho thành phố sau những ngày giãn cách.
Hiện nay, các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục, nhiều khu vực vùng xanh được mở rộng. Tinh thần, cuộc sống người dân vui tươi hơn, lạc quan hơn.Chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng đối với vùng “nguy cơ cao” thì vẫn còn những yếu tố dẫn đến dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân và xã hội.
Điều đáng lo ngại hiện nay là hình ảnh lượng người rất đông tập trung ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, khuôn viên Hồ Con Rùa, công viên đường hầm vượt sông Sài Gòn, các công viên, khu dân cư. Tại một số nơi công cộng, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những người không đeo khẩu trang đi lại. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động bán mang đi, nhưng vẫn có rất đông shipper tại nơi mua hàng không đảm bảo khoảng cách, hay vô tư ăn uống trong các hàng quán tuy chưa được phép. Không ít người tự tin nói: “Tiêm 2 mũi rồi lo gì, thoải mái bù lại những ngày bị giãn cách”. Cùng với đó là những nguy cơ còn tồn tại, khi việc kinh doanh buôn bán lẻ thực phẩm tự phát, hàng rong tự phát, người mua đậu xe trái phép trên lòng lề đường, tập trung đông người… làm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng như không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Với cách nhìn nhận như vậy, nhiều người dân đang truyền đi lối sống chủ quan; và cùng với sự thiếu kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương rất dễ dẫn đến dịch bệnh tái phát.
Ý thức của người dân là yếu tố quyết định
Để thích ứng với trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, các cấp, các ngành cần quan tâm tập trung tuyên truyền về phương thức sống chung với Covid-19. Sống chung với Covid-19 hoàn toàn không có nghĩa là sống chung với đại dịch. Sống chung với Covid-19 có nghĩa là giảm thiểu tác hại của dịch bệnh. Ngoài ra, để sống chung với Covid-19, thì cũng cần trang bị cho người dân hiểu biết chính xác, khách quan, khoa học về Covid-19 và cách thức phòng chống, theo nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác”. Trong đó, ý thức của người dân là yếu tố quyết định, nên cần phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Chính sự hiểu biết sẽ làm gia tăng sức đề kháng dịch bệnh của toàn xã hội.
Trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, chưa thể khắc phục ngay hậu quả do đại dịch gây ra. Do đó, việc bảo đảm an sinh xã hội cần được đặc biệt quan tâm; nhất là với lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể, người nhập cư, người yếu thế… chịu tác động từ đại dịch nặng nề hơn so với các nhóm đối tượng khác. Công tác an sinh xã hội cần tập trung thực hiện tốt, theo hướng phù hợp, kịp thời hơn với nhu cầu, điều kiện của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đó là cơ sở tạo nên sự yên tâm cả về công việc và cuộc sống của người lao động, sẽ không gây ra các làn sóng di dân bất thường. Điều này cũng rất quan trọng, đảm bảo không bị đứt gãy thị trường lao động.
Thực tiễn cho thấy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành y tế trong việc truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị thì sự đồng lòng ủng hộ của người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng là điều kiện quan trọng hàng đầu để kịp thời khống chế dịch bệnh. Mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu đi lại, tụ tập nơi đông người… của bản thân. Đồng thời tăng thời gian làm việc tại nhà, nhận hàng hóa tại nhà; cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong một không gian hạn chế. Với trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, người dân cần phải tuân thủ nguyên tắc 5K; sử dụng mã khai báo QR tại các chốt kiểm soát và cài đặt các ứng dụng về Covid-19. Khi có thông báo tiêm vaccine trên địa bàn, người dân cần đăng ký và chủ động tiêm chủng.
Đồng sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch
Qua 5 tháng chống dịch tại TPHCM cho thấy, đi lại, giao tiếp, không tuân thủ nguyên tắc 5K là nguyên nhân chủ yếu lây lan, bùng phát dịch bệnh. Quyền tự do đi lại, đến nơi mình muốn là một trong những quyền cơ bản của công dân. Ở đây, tôi muốn nói đến việc tự do nhất là khi chúng ta làm đúng luật và tôn trọng sức khỏe của mọi người xung quanh. Người dân có quyền được về quê hương sum họp gia đình sau thời gian giãn cách xã hội hay trở về TPHCM để mưu sinh, học tập. Song điều quan trọng là nên thông tin cho chính quyền, đoàn thể nơi cư trú nắm bắt thông tin và có thể hỗ trợ kịp thời nhất. Điều quan trọng ở đây là “an toàn”: an toàn để phòng dịch bệnh lây lan, bùng phát và an toàn trong đi lại (giao thông), đảm bảo các hướng dẫn của ngành y tế, khai báo y tế đầy đủ.
Những ngày sắp tới, tình hình chống dịch và khôi phục kinh tế của TPHCM có thể mở ra một bước ngoặt mới hay không vẫn phụ thuộc rất lớn vào từng người dân. Bác Hồ có bài thơ viết về đoàn kết, đồng lòng rất hay. Trong đó có đoạn: Biết đồng sức/Biết đồng lòng/Việc gì khó/Làm cũng xong. Covid-19 chắc chắn không thể đánh bại chúng ta. Chúng ta cần mạnh mẽ, cần đồng sức, đồng lòng, đồng tâm để chiến thắng đại dịch.
 

theo NGUYỄN HỮU HIỆP (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM)

Bình luận (0)