Trạm biến áp 500 -220kv tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TPHCM
Căn riết mà vẫn hụt
Những ngày này, xóm trọ của công nhân làm việc tại khu vực Linh Trung (Thủ Đức) tối thui, nhà nào nhà nấy đều tắt điện rồi cùng nhau ra ngoài hóng gió trời.
Thấy chúng tôi thắc mắc, chị Cao Thị Lý (quê Nghệ An) trần tình: “Tháng vừa rồi điện tăng giá, chủ nhà thu tổng tiền điện, nước của gia đình tôi là 600.000 đồng. Họ cũng báo tháng sau tiền nhà tăng lên 1,2 triệu đồng/tháng để lấy khoản này bù vào khoản kia, rồi tiền chợ cũng tăng khoảng 20.000 đồng/ngày. Căn riết mà vẫn hụt”, chị Lý trải lòng.
Cách xử lý của chị Lý: bớt xài đồ điện, nấu cơm và nước đều dùng gas, chỉ mở 1 quạt chứ không bật 2 quạt như trước đây. Ở xóm trọ bình dân trên đường 39 phường Bình Trưng Tây (quận 2), chị Nguyễn Thị Thanh Mai (quê Tiền Giang) cũng đang tính toán kiếm thêm việc để làm.
Chị Mai thuê một căn phòng đầu dãy trọ vừa là nơi 2 mẹ con chị ở, vừa mở tiệm làm tóc, trung bình mỗi tháng thu nhập của chị chừng 7 triệu đồng. Bình thường, chị Mai đã phải trả tiền điện trên 1,2 triệu đồng/tháng. Đợt này điện tăng giá, chị đã phải đóng thêm mà chủ nhà vẫn than thu không đủ chi.
Anh Lê Quốc Đức (phường 5, TP Đà Lạt), cho biết sau đợt điều chỉnh tăng giá điện, hoá đơn tiền điện của gia đình anh cũng tăng theo. “Gia đình tôi trồng 4.000m2 rau, dâu tây thủy canh, để vận hành liên tục hệ thống tưới nước cho cây trồng, khu vườn phải sử dụng nhiều máy bơm, tiêu tốn mỗi tháng khoảng 3,8 triệu đồng tiền điện. Tháng rồi giá điện tăng, hóa đơn phải trả là 4,5 triệu đồng, tăng khoảng 15%. Nhà vườn buộc nâng giá sản phẩm rau thủy canh lên 1.000 – 1.500 đồng/kg”.
Theo Sở NNPT-NT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 51.000ha cây trồng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, số diện tích này phần lớn sẽ chịu tác động lớn của việc tăng giá điện.
Tại ĐBSCL, giá điện tăng cao đã khiến người nông dân gặp khó. Ông Nguyễn Văn Te, nông dân ở Bến Tre, kể hiện ông đang chong đèn cho 5.000m2 thanh long ruột đỏ, chừng 10 ngày nữa là thu hoạch, nhưng hiện giá thanh long đang giảm thấp bất ngờ chỉ còn 28.000 – 30.000 đồng/kg.
Trong khi giá điện tăng từ cuối tháng 3 đang khiến nhiều người lo lắng. Và với giá thành như thế này thì lời chắc chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, mùa khô, các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái có nhu cầu sử dụng điện để tưới cho cây trồng rất lớn. Để tránh cây trồng bị chết do thiếu nước, bà con phải tưới liên tục 2 lần/ngày.
Tiền điện trung bình mỗi tháng của các hộ dân sẽ dao động từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng. Giá điện tăng kéo theo chi phí đầu tư tăng, trong khi giá nông sản lại bấp bênh khiến người nông dân đã khó lại càng thêm khó…
Trước việc giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng và Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng cho rằng, doanh nghiệp đã quá ngưỡng chịu đựng. Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho biết, xăng dầu chiếm 30% trong cơ cấu giá thành của ngành vận tải hàng hóa, việc tăng giá xăng dầu thời gian qua khiến chi phí của doanh nghiệp vận tải tăng hơn 5%. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải hàng hóa ký kết với chủ hàng từ đầu năm. Trong các điều khoản ký kết có việc điều chỉnh giá vận tải vì lý do xăng dầu tăng – giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu doanh nghiệp vận tải đặt vấn đề tăng giá thì ngay lập tức bị các chủ hàng phản ứng và quay lưng. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải phải gồng mình gánh phí chồng phí nay phải gánh thêm chi phí do xăng dầu tăng giá. |
Doanh nghiệp bù chi phí giữ giá
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM – Saigon Co.op, khẳng định hiện chỉ có nhóm hàng đầu tiên là bao bì nhựa được Saigon Co.op chấp nhận điều chỉnh giá tăng thêm 400 đồng/kg do nhà cung cấp đã đề nghị từ trước đó chứ không phải bây giờ.
Tất cả các mặt hàng thiết yếu khác, giá bán vẫn tiếp tục ổn định trong 3 tháng tới. Tuy nhiên, Saigon Co.op đang phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp để bù vào phần chi phí tăng thay vì tăng giá bán, nhất là ở nhóm hàng thực phẩm chế biến và đông lạnh, hàng nhập khẩu lưu kho…
Ở góc độ sản xuất, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết, giá điện và xăng dầu đã đẩy chi phí sản xuất các loại thực phẩm chế biến tăng hơn 10% so với trước đó. Trên thực tế, mọi hoạt động từ giết mổ, sản xuất, lưu kho, Vissan đều phải sử dụng điện nên giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất. Nhưng vì là DN bình ổn thị trường nên Vissan đang phải gồng mình chấp nhập.
Trên lĩnh vực xây dựng, giá thành xây dựng đã tăng từ 5% – 10%, nhiều đơn vị đòi đàm phán lại hợp đồng. Nguyên nhân là do giá xăng, giá điện – đầu vào của ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng cao đã đẩy lĩnh vực xây dựng bị ảnh hưởng trực diện.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng Việt Phú An cho biết, những mặt hàng tiêu thụ mạnh lâu nay thì tăng giá cao, đặc biệt sắt thép tăng giá mạnh nhất; xi măng, gạch, các thiết bị khác… cũng tăng giá, đẩy giá thành xây dựng tăng lên ít nhất 5%.
Một DN kinh doanh địa ốc nhận xét, trước đây giá cả ổn định, mỗi năm xây dựng tại TPHCM gần 5.000 căn hộ chung cư, gần như không có biến động nhiều. Hiện nay, vì giá vật liệu tăng, nhân công tăng nên các nhà thầu cũ kêu trời, không chịu làm, đòi đàm phán lại hợp đồng; còn các nhà thầu mới đòi tăng giá 5% – 10% mới chịu ký hợp đồng.
Giá xây dựng tăng trước mắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận, về lâu dài là sự hoạt động của công ty, bởi vì giá nhà đã ký với khách hàng trước đây nên hiện nay không thể tăng giá. Đối với dự án mới phải tính toán lại giá bán nhà, bởi vì phải cộng thêm phần tăng giá của vật liệu, nhân công…
Tình trạng khó khăn tương tự xảy ra với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Chủ một công ty chế biến thủy sản ở Cà Mau cho biết, thủy sản là ngành sử dụng điện rất nhiều trong khâu chế biến.
Công ty của ông có 4 nhà máy chế biến thủy sản, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng tiền điện. Với giá điện tăng như hiện nay thì mỗi tháng phải chi thêm cả trăm triệu đồng cho tiền điện.
Trong khi tất cả chi phí khác cũng tăng, như nguyên liệu thủy sản (tăng 20-30%), giá xăng dầu tăng, lương công nhân, BHXH mà lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh thủy sản rất thấp, chỉ 2%-3%…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM: “Với tình hình còn khó khăn như hiện nay, ngành điện nên tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ để giảm bớt nhân công hoặc các công trình đầu tư kém hiệu quả để giảm giá thành sản xuất thay vì cứ mãi than lỗ rồi xin tăng giá. Bởi khi giá điện tăng quá cao, doanh nghiệp và người dân không chịu nổi nữa thì nền kinh tế sẽ trì trệ. Đặc biệt, khi Việt Nam đang thời kỳ mở cửa, hội nhập sâu rộng, việc tăng giá điện sẽ khiến các doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh với các đối thủ trong ASEAN cũng như trong khối CPTPP”. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Tư duy đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng sinh tồn. Trong khi đó, để phù hợp với thời đại, cần thay đổi cơ chế về đảm bảo an ninh năng lượng, quản lý nhu cầu năng lượng trong đảm bảo an ninh năng lượng mới là vấn đề cốt lõi cần quan tâm. Cách tiếp cận để giải bài toán năng lượng phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định”. |
Bình luận (0)