Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và lòng người.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trên ngọn đồi rộng khoảng 4,5 ha, cao khoảng 300 m so với mực nước biển. Công trình này mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo đương đại. Trước thiền viện là một cánh đồng rộng, phía sau là dãy núi cao với rừng thông xanh ngắt.
Để lên chính điện, người đến thăm phải bước lên nhiều bậc đá, qua cổng tam quan. Chính điện có chiều cao 17 m, rộng 675 m2, gồm 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1 m. Trong chính điện thờ tượng Phật tổ, bên trái là lầu Chuông, bên phải lầu Trống, ở giữa là 3 tượng Phật lớn. Ngoài ra còn có nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…
Rừng thông xanh ngắt bao quanh thiền viện – Ảnh: Đào Tấn Trực
Đến nơi linh thiêng u tịch này vào những ngày hè, đứng dưới chân núi nhìn lên, ta thấy thiền viện thấp thoáng trong rừng thông với ngàn mây lơ lửng. Khi lên đến đỉnh núi, du khách bị hút hồn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, được tận hưởng khí hậu mát mẻ trong lành, được thả hồn trong không gian trầm lắng với những đồi thông hòa quyện với mây trời.
Từ đây, chúng ta có thể nhìn tận dãy núi Ba Vì, nhìn rõ ba ngọn Tam Đảo quanh năm mây phủ huyền hoặc. Đến đây, được nghe tiếng chuông chùa ngân vọng trầm vang, con người dường như quên mất công việc bộn bề thường ngày mà chỉ thấy lòng mình thanh thản, tĩnh tâm, thư thái, thoát tục, như được về với thế giới tâm linh của miền đất Phật.
Cùng với thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng), thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc) là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Ngoài chức năng đào tạo Phật học, nơi đây còn là một điểm tham quan thưởng ngoạn khá lý thú. Cùng với quần thể thiền viện, ở đây còn có chùa Tây Thiên, một điểm đến tham quan khá thú vị với quần thể phong cảnh sơn thủy thiên tạo tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, có hệ thống cáp treo lên tận đỉnh núi, đã thu hút rất nhiều du khách khắp mọi miền đất nước và thế giới về đây.
Đào Tấn Trực (TNO)
Bình luận (0)