Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thiệt cho học sinh quá!

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2008-2009, lần đầu tiên trong ngành GD-ĐT thực hiện chấm chéo bài tự luận thi tốt nghiệp THPT. Từ khi có chủ trương đến khi thực hiện, có không ít ý kiến đồng tình cũng như không đồng tình.
Đồng tình thì cho đây là một sự đổi mới thật sự, một kỳ thi tốt nhất từ trước đến nay. Không đồng tình thì cho rằng đổi bài chấm chéo sẽ có hiện tượng sát phạt nhau. Ý kiến này đã được Bộ GD-ĐT trả lời sẽ không có hiện tượng sát phạt nhau vì đáp án ra biểu điểm rất cụ thể, cụ thể đến 0,25 điểm. Giáo viên chỉ cần căn cứ vào biểu điểm chấm thì không có chuyện sát phạt lẫn nhau.
Cách chấm đó hoàn toàn đúng với môn toán mà lại không đúng với môn ngữ văn. Ngay cả giáo viên trong cùng một tỉnh cũng không thống nhất được các ý huống chi khác tỉnh, nhất là không phải bài của học sinh tỉnh mình.
Chẳng hạn với câu 1, đáp án ra bốn ý, mỗi ý 0,5 điểm, chỉ cần “căng” một chút các em có thể mất 0,5 điểm. Đó là nếu học sinh chỉ nêu mọi người trong quán trà bàn về cái chết của Hạ Du mà không nêu bàn về chiếc bánh bao tẩm máu người. Nhưng khi nêu ý nghĩa, học sinh nêu cả hai là phê phán sự lạc hậu của quần chúng không hiểu gì về cách mạng và cách chữa bệnh lao.
Nếu một số tỉnh căn cứ đáp án vẫn cho 1,5 điểm vì nêu ba ý, nhưng nếu một số tỉnh lại suy luận không nêu ý chiếc bánh bao tẩm máu người thì làm sao có ý phê phán về sự lạc hậu, ngu muội của người dân Trung Quốc đương thời về cách chữa bệnh lao nên chỉ cho 1 điểm.
Câu 2 là câu nghị luận xã hội lại càng khó đồng nhất. Trong phần yêu cầu về kỹ năng đáp án cho rằng đề thuộc về nghị luận một tư tưởng, đạo lý. Không biết người ra đáp án có nhầm không vì không thể nào cho việc đọc sách là một tư tưởng đạo lý được mà nó thuộc nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Nếu học sinh trình bày theo các ý khác vẫn đúng mà  không có trong đáp án thì sao? Chắc chắn giáo viên chấm sẽ không dám thoát ly đáp án và thế là lại thiệt cho học sinh.
Chẳng hạn, học sinh nêu định nghĩa sách, nêu vai trò tác dụng của đọc sách, nêu tác hại của việc đọc sách không đúng, sau đó nêu cách chọn lựa sách để đọc… thì sao? Rất khó nói các em không đúng khi phân tích lưu loát, lập luận chặt chẽ các ý vừa nêu. Nhưng ngặt nỗi không giống đáp án biết làm sao hơn. Nếu một số tỉnh mở một chút thì chấm đúng, còn nếu tỉnh nào “chặt” thì chấm chưa đúng. Cũng lại thiệt cho học sinh quá!
Câu 3 là câu nghị luận văn học là một câu khó cho ban cơ bản vì không phải học sinh nào cũng nhận ra giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Và bốn ý của đáp án ra lại càng khó hơn nữa. Nếu học sinh nêu được ba ý lần lượt là:
– Cảm thông với kiếp đời tủi nhục của Mỵ và A Phủ. Từ đó, lên án gay gắt chế độ phong kiến miền núi.
– Trân trọng những khao khát đẹp đẽ của Mỵ và A Phủ.
– Kết thúc có hậu.
Và với ba ý này, học sinh triển khai đầy đủ cũng đảm bảo tốt nội dung giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhưng giáo viên chấm căn cứ vào đáp án thì học sinh có thể mất đến 2 điểm. Vậy là cũng lại thiệt cho học sinh! 
HẢI ANH
(GV Trường THPT kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng, Cần Thơ)
TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)