Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thiết kế cầu chịu lực từ que gỗ

Tạp Chí Giáo Dục

Sân trường thành xưởng mộc, học sinh trở thành những nghệ nhân, kỹ sư, kiến trúc sư xây dựng, say mê cưa, mài, cắt, tính toán chi tiết tỉ mỉ… đó là khung cảnh trong buổi sinh hoạt ngoại khóa “Kết cấu chịu lực – cầu dàn” do Tổ vật lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) tổ chức cho học sinh toàn trường.


Vừa làm vừa được thầy gỡ khó, kiến thức hiểu sâu hơn

Theo đó, học sinh 3 khối lớp được chia thành 155 đội, (6 thành viên/đội). Mỗi đội được phát 10 thanh gỗ (dài 1m, diện tích 1cm2/thanh). Nhiệm vụ đặt ra là trong khoảng thời gian một buổi sáng, các đội phải hoàn thành thiết kế một cây cầu chịu lực từ gỗ và keo dán sắt, mô phỏng theo cây cầu thực tế. Nếu tuân thủ theo đúng nguyên lý, cầu từ thanh gỗ có thể chịu được tải trọng từ 100kg – 250kg.

“Trong trải nghiệm này, kiến thức vật lý đã không còn là những công thức, định luật mà được cụ thể hóa, đong đếm bằng sản phẩm thực tế”, thầy Lê Tấn Hậu (Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) cho hay. Theo thầy Hậu, để có thể thiết kế được cây cầu một cách chính xác, chịu được tải trọng lớn và tiết kiệm nguyên liệu, các đội phải vẽ được bản thiết kế với những tính toán thật chi tiết chứ không đơn giản là “ráp các mối nối lại với nhau”. Ngoài ra, các đội còn phải tính toán đến kết cấu, hiểu được thế nào là thanh chịu lực, thanh liên kết, thanh chịu lực xoắn, các mấu liên kết giữa các thanh. Thậm chí là việc dùng keo dính các mấu liên kết cũng đòi hỏi kỹ thuật để có độ bền, độ linh hoạt cao nhất. Các cây cầu sẽ được đánh giá trên 2 nội dung về tính thẩm mỹ và khả năng chịu lực. Tính thẩm mỹ bao gồm kiến trúc, sự sáng tạo và ý tưởng. Khả năng chịu lực tối thiểu phải là 50kg. Cạnh đó, từ trải nghiệm này, giáo viên đánh giá cao về hoạt động nhóm, tính đoàn kết, phân chia công việc giữa các thành viên trong nhóm để tạo ra sản phẩm.

“Điều quan trọng là hoạt động đã tạo ra sân chơi trải nghiệm thực tế cho học sinh, giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết bài toán thực tế.

Kiến thức chủ yếu vận dụng thiết kế cây cầu chịu lực là kiến thức cơ học trong môn vật lý lớp 10. Song, để làm ra cây cầu các đội còn phải linh hoạt áp dụng các kiến thức toán học, kỹ thuật. Đặc biệt đó là các kiến thức, kỹ năng trong thực tế cuộc sống như sử dụng cưa, giấy nhám, sử dụng keo dán sắt không dính vào tay…”, thầy Hậu nhấn mạnh.

Từ trải nghiệm này, mỗi học sinh sẽ được cộng điểm vào quá trình đánh giá thường xuyên trong môn học. Đây cũng là tính mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh, là bước chuẩn bị để nhà trường tiệm cận với Chương trình GDPT 2018, hướng tới phát huy tối đa năng lực của học sinh.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)