PGS Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ban được các chuyên gia quốc tế khuyến nghị tăng thời gian học ở trường của học sinh (HS), nhất là HS tiểu học.
Theo số liệu năm 2009, thời gian học trung bình của HS từ 7 – 15 tuổi (tương đương từ lớp 1 – 9) ở các nước thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khoảng 7.390 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, theo chương trình 2006, HS VN từ lớp 1 – 9 chỉ học khoảng hơn 5.600 giờ; còn theo chương trình mới 2018, thời gian chỉ tăng lên được chút ít là gần 6.200 giờ, nghĩa là còn thấp khá nhiều so với thời gian học của HS các nước OECD.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học đã được thiết kế theo hướng dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày; nhờ đó có những môn học, hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn thì nay đã thành bắt buộc như ngoại ngữ, tin học, hoạt động trải nghiệm…. NHẬT THỊNH
Theo PGS Bùi Mạnh Hùng, khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế rất phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục của Việt Nam. Vì thế, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Bộ GD-ĐT đã cố gắng tăng thời gian học của HS trong điều kiện cho phép, trước mắt là ở cấp tiểu học. Tăng thời gian học ở trường chính là nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ, để các em có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí,… trong không gian, môi trường an toàn.
Do vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học đã được thiết kế theo hướng dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày; nhờ đó có những môn học, hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn thì nay đã thành bắt buộc như ngoại ngữ, tin học, hoạt động trải nghiệm… Nhiều nội dung về giáo dục kỹ năng sống đã được quan tâm và lồng ghép vào chương trình các môn học nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của HS.
"Chương trình là pháp lệnh. Khi quy định cấp tiểu học (giáo dục miễn phí) phải học 2 buổi/ngày thì nhà nước cần phải đầu tư đủ nguồn lực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… để đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học theo thời lượng mà chương trình quy định", PGS Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra rằng: "Có lẽ do ảnh hưởng của giáo dục truyền thống và do điều kiện triển khai chương trình còn hạn chế, nhiều nhà trường vẫn quan niệm cứ được tăng thời gian giáo dục cho trẻ ở trường thì dành thời gian đó để dạy học các môn học "cơ bản" như toán, tiếng Việt – ngữ văn, ngoại ngữ… Vì thế, ý nghĩa của việc tăng thời gian giáo dục ở trường nhằm giúp HS được phát triển toàn diện chưa được thực hiện đúng với tinh thần đổi mới căn bản nền giáo dục".
Theo ông Hùng, mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn không phải tạo điều kiện để nhà trường hợp đồng với các đơn vị liên kết đưa các môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào, buộc HS và PH phải đăng ký học thêm trong giờ học chính khóa.
Theo Tuyết Mai/TNO
Bình luận (0)