Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh-Xã hội TP.HCM, trong tất cả các ngành nghề thì nghề dệt may thời trang chiếm 17,5% chiếm cao nhất trong cơ cấu ngành nghề, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành này tăng 447% so với các ngành khác. Vì vậy nghề thiết kế thời trang (TKTT) trở thành một trong những nghề “hot” nhất hiện nay. Để đáp ứng cho nhu cầu đó đã có rất nhiều trường, trung tâm mở mã ngành TKTT.
Sức hút của nghề
Xã hội ngày càng phát triển, mức sống người dân không ngừng nâng lên, trong đó có việc ăn mặc. Mặt khác hiện nay kim ngạch xuất khẩu về ngành may mặc của nước ta rất lớn. Đồng thời, do sức hấp dẫn từ sự nổi tiếng và có thu nhập cao của ngành này mang lại, nên thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia vào lĩnh vực TKTT. Nghề TKTT khi ra trường dễ kiếm việc làm, được tự do sáng tạo, tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà thiết kế, sản phẩm được xã hội sử dụng rộng rãi. Tên tuổi và thương hiệu người thiết kế được nhiều người biết đến bên cạnh những lợi nhuận về kinh tế mà công việc tạo ra. Ngoài ra người TKTT còn được biết đến như những người hay sáng tạo, thích tìm tòi, học hỏi để cho ra đời những tác phẩm thời trang làm đẹp cho xã hội.
Hiện nay tác phẩm thời trang chia thành hai hướng: hướng trình diễn nghệ thuật và hướng ứng dụng vào thực tế. Nghề TKTT là sự tổng hòa của nghệ thuật và kinh doanh vì vậy nếu thời trang nghệ thuật để khẳng định tên tuổi với các nhà chuyên môn, thì thời trang ứng dụng tìm đến số đông người tiêu dùng. Ngoài ra TKTT không nhất thiết là phải học CĐ hay ĐH, mà nghề này còn phát triển nhanh dựa vào năng khiếu và sự đam mê.
Tố chất cần của người TKTT
Theo nhận xét của nhiều nhà TKTT thì: Nghề TKTT không như những ngành nghề khác, ngoài sự đam mê, còn phải có óc thẩm mỹ cao, cùng với sự tìm tòi học hỏi để sáng tạo nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật và lợi nhuận kinh tế. Người thiết kế phải có năng khiếu tạo hình, yêu vẻ đẹp con người, óc sáng tạo và thực tế; có tính kiên trì bền bỉ và cầu thị. Đôi bàn tay khéo léo, am hiểu xã hội và có vốn văn hóa để làm nền tảng cho sự sáng tạo. Ngoài ra người thiết kế phải biết kỹ thuật cắt may, công nghệ chế tạo các vật liệu và nhạy cảm về thẩm mỹ. Vì vậy để có tác phẩm ra đời là cả một quá trình nghiên cứu, sáng tạo, tìm chất liệu…
Công việc của người thiết kế đó là nghiên cứu thị hiếu của xã hội, xác định xu hướng thời trang để định hình cho thiết kế của mình. Phác thảo ý tưởng, cắt vẽ mô hình để làm mẫu chọn chất liệu vải và đồ trang sức đi kèm. Cùng với những nguyên tắc, kỹ thuật may… đồng thời biết lắng nghe nhận xét của đồng nghiệp và dư luận, cập nhật những hạn chế để nhận diện xu thế thời trang sớm hơn các đối thủ hay đồng nghiệp khác.
Học TKTT ở đâu?
Đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS học 3 năm, tốt nghiệp THPT học 2 năm, các em có thể học liên thông lên CĐ-ĐH nếu hoàn thành chương trình đào tạo của nhà trường. Hiện nay nghề TKTT ngoài các trường ĐH đào tạo, thì còn rất nhiều trường từ trung cấp đến CĐ tại TP.HCM và các tỉnh mở mã ngành này, học sinh có thể tham khảo một số trường sau đây: Trường CĐ Công nghệ Dệt may Thời trang TP.HCM, ĐC: 586 Kha Vạn Cân, P. Linh Đông, Q. Thủ Đức, TP.HCM. Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, ĐC: 161-165 Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM. Trường Trung học Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, ĐC: 500-502 Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM. Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM, ĐC: 300A Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM. Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, ĐC: 502 Đỗ Xuân Hợp, P. Phước Bình, Q.9, TP.HCM…
Văn Mạnh
Bình luận (0)