Các nhà nghiên cứu phát hiện cầu dẫn nước Valens dài hơn 500km không có cặn lắng nhờ thiết kế cho phép vệ sinh kênh mà không gián đoạn dòng chảy.
Trước đây, cầu dẫn nước Valens là một trong những hệ thống dẫn nước dài nhất ở thế giới cổ đại. Vào thế kỷ 5, người dân Constantinople lấy nước thông qua kênh dẫn đặt theo tên hoàng đế Valens, ban đầu trải dài hơn 500km. Ngày nay, các nhà khoa học phát hiện một biện pháp thông minh giúp hệ thống cơ sở hạ tầng đồ sộ này luôn sạch sẽ.
Một đoạn cầu dẫn nước Valens.
Kênh đào trải rộng bao gồm nhiều suối nước ngọt cách thành phố 120km. Hệ thống tích hợp nhiều kênh phụ xây bằng đá, 90 cây cầu lớn và nhiều đường hầm có chiều dài 5km. Bằng cách thu thập và nghiên cứu lớp bồi tích canxi carbonate, nhóm nghiên cứu có thể đánh giá sự tích tụ cặn vôi ở cầu dẫn nước. Mẫu vật thu thập được cho thấy lượng cặn vôi hình thành chưa tới 30 năm, dù kênh đào đã hoạt động hơn 7 thế kỷ, cho tới ít nhất là thế kỷ 12.
"Điều này có nghĩa toàn bộ cầu dẫn nước chắc chắn được bảo trì và làm sạch cặn lắng dưới thời đế quốc Đông La Mã, cho tới không lâu trước khi hệ thống ngừng hoạt động", nhà cổ khí tượng học Gül Sürmelihindi ở Đại học Johannes Gutenberg tại Mainz (JGU), Đức, cho biết.
Một phần kênh đào hé lộ quá trình làm sạch hệ thống diễn ra như thế nào. Đó là đoạn dài 50 km ở trung tâm cầu dẫn nước, bao gồm hai kênh đào, kênh nọ phía trên kênh kia, đôi khi chạy qua những cây cầu hai tầng.
Phương pháp dùng hai kênh đào cho phép các kỹ sư làm sạch cầu dẫn nước mà không cần chặn dòng nước chảy vào Constantinople suốt hành tuần, thậm chí hàng tháng, đe dọa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp nước. Cặn vôi có thể làm tắc đường dẫn nước chảy chậm, vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng việc vệ sinh kỹ càng diễn ra định kỳ. Đất sét cũng là một chất gây ô nhiễm tiềm ẩn khác ở nước lấy từ những con đập.
"Nhiều khả năng hệ thống kênh đào kép này được xây dựng để cho phép công tác vệ sinh và bảo trì diễn ra", nhà sinh thái học Cees Passchiern đến từ JGU, cho biết. "Đây là giải pháp tốn kém nhưng rất thiết thực".
Toàn bộ mạng lưới cầu dẫn nước được xây dựng từng phần trong vài thế kỷ và là một ví dụ của thành tựu xây dựng dưới thời đế quốc La Mã. Dù người La Mã không phát minh cầu dẫn nước, họ đã tạo ra những công trình lớn và phức tạp hơn hẳn trước đó. Sürmelihindi mô tả các hệ thống thống quản lý nước kiểu này là thành tựu kỹ thuật đột phá nhất của đế quốc La Mã. Ông và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu hôm 6/5 trên tạp chí Geoarchaeology.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)