“Cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm” của Trung Quốc đối với việc thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ đang khiến các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo lắng.
Theo South China Morning Post, một nhóm doanh nghiệp EU gần đây cảnh báo rằng việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật đã phát sinh như chiến trường mới về sự cạnh tranh giữa các siêu cường, đặc biệt thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc là một “lời cảnh tỉnh” cho châu Âu.
Trong báo cáo cuối tuần qua, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc nói, ngược lại với các hoạt động theo định hướng thị trường tự do ở phương Tây, “cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm” để thiết lập các tiêu chuẩn của Trung Quốc có thể sẽ làm tăng thêm rủi ro chính trị hóa và tách biệt khỏi các biện pháp kỹ thuật quốc tế.
Tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật là chiến trường mới trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các nước. REUTERS
“Châu Âu từng tự coi mình là nhà vô địch trong việc thiết lập các tiêu chuẩn, nhưng Trung Quốc có cách tiếp cận khác, tốc độ khác trong lĩnh vực này và châu Âu cần phải thức tỉnh trước thực tế đó”, Chủ tịch Phòng Liên minh Châu Âu Joerg Wuttke viết trong báo cáo.
Phương Tây từ lâu đã luôn dẫn đầu khi nói đến các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật toàn cầu. Họ đặt ra thông số kỹ thuật định hình hầu hết các sản phẩm và dịch vụ mà người dùng sử dụng hằng ngày, từ giấy vệ sinh đến các giao thức viễn thông. Tuy nhiên, dù Trung Quốc là nước đến sau, nhưng ảnh hưởng trong hệ thống tiêu chuẩn hóa quốc tế hiện có đã tăng lên trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh nhận thức rõ khu vực này là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc và nỗ lực tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trung Quốc đã đạt được vị thế tiên tiến trong nhiều lĩnh vực công nghệ chiến lược và công nghệ mới, chẳng hạn như 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Cũng vì vậy mà nhiều người cho rằng Trung Quốc nên dẫn đầu về tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực đó. “Chúng ta nên tích cực tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, để đóng góp trí tuệ Trung Quốc hướng tới việc tối ưu hóa việc quản trị các tiêu chuẩn toàn cầu”, Giám đốc Ủy ban Tiêu chuẩn Quốc gia Trung Quốc Tian Shihong nói hồi tháng 10.2021.
Tuy nhiên, báo cáo của EU cáo buộc Trung Quốc đã giành ưu thế trong các lĩnh vực này thông qua sự hỗ trợ có hệ thống của nhà nước. “Các tiêu chuẩn kỹ thuật về bản chất là không ràng buộc, riêng tư, tự điều chỉnh, cung cấp khả năng tương tác” để giảm thiểu va chạm và tạo thuận lợi cho thương mại. Do đó, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh chỉ muốn thúc đẩy các tiêu chuẩn của riêng mình, thay vì muốn đóng vai trò mang tính xây dựng trong hệ thống đã được thiết lập.
Báo cáo được công bố vào thời điểm căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng gia tăng về một loạt vấn đề thương mại, công nghệ và chính trị, bất chấp những nỗ lực gần đây của cả hai bên nhằm giảm mâu thuẫn. Một số nhà bình luận kinh tế lo ngại xung đột này có thể khiến Trung Quốc tách khỏi phương Tây trong nhiều lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Tháng 10.2021, chính quyền Bắc Kinh đã phát hành chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn kỹ thuật để vạch ra cách Trung Quốc có thể trở thành cường quốc tiêu chuẩn hóa toàn cầu. Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ – EU, được thành lập vào tháng 9.2021, cũng đặt các tiêu chuẩn kỹ thuật lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.
“Tiêu chuẩn kỹ thuật là chiến trường mới trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các nước, chủ yếu là Mỹ và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn theo các tiêu chuẩn quốc tế, thì cái giá phải trả để điều này có thể xảy ra là tầm ảnh hưởng của châu Âu”, Tim Rühlig, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Các vấn đề quốc tế Thụy Điển, nói.
Song, báo cáo cũng lưu ý về việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ trao vai trò lớn hơn cho các tác nhân của ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, với lời hứa mở rộng hơn nữa quyền thiết lập tiêu chuẩn trong nước cho các công ty nước ngoài. Báo cáo của EU khuyến nghị Trung Quốc đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các công ty muốn tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa ở đại lục, đồng thời chấp nhận tiền đề của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế.
Báo cáo còn khuyên Bắc Kinh nên suy nghĩ kỹ về điều gọi là “sự hợp nhất dân sự – quân sự”, vốn có khả năng sẽ gây tổn hại đến uy tín quốc tế của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng trong tương lai mà nước này có thể nắm giữ đối với việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật toàn cầu.
Theo Phương Anh/TNO
Bình luận (0)