Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn, nhất là vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2023, UBND phường 5, quận 8 đã thực hiện mô hình “Xe chữa cháy lưu động”. Mô hình gọn, tiện lợi và dễ dàng di chuyển. Khi có phát hiện hoặc nhận thông báo cháy nổ, xe chữa cháy lưu động sẽ kịp thời khắc phục sự cố.
Mô hình có trọng tải hơn 2 tấn bồn nước với sức chứa hơn 1.600 lít
Mô hình nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” gắn liền phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng và củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ”. Qua đó đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý khi có các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, hạn chế cháy lan, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người.
Xây dựng phong trào phòng cháy chữa cháy
Phường 5 quận 8 có dân số khoảng 46.255 người. Phường có 10 khu phố với 114 tổ dân phố. Phường có vị trí phía Đông giáp phường 4; phía Tây giáp phường 6; phía Nam giáp xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) và phía Bắc giáp phường 9; phường 10; phường 12.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.285 vụ cháy, nổ làm 104 người chết và 85 người bị thương, thiệt hại ước tính 536,5 tỷ đồng. Còn tại TP.HCM, 8 tháng đầu năm 2022 xảy 122 vụ cháy, trong đó có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng và làm chết 2 người, bị thương 12 người. Từ các vụ hỏa hoạn xảy ra cho thấy, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ. |
Phường 5 đang trong quá trình đô thị hóa với nhiều cụm nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư, có nhiều dự án đang triển khai và chưa triển khai trên địa bàn… Những yếu tố nêu trên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Khi xảy ra cháy, nổ dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Lương Vĩnh Cường (Phó Chủ tịch UBND phường 5) nhìn nhận, trong thời gian vừa qua, địa bàn phường có nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ. Nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất, phòng cho thuê, cụm nhà trọ… nằm sâu trong hẻm nhỏ khi xảy ra cháy nổ xe cứu hỏa rất khó để tiếp cận được đám cháy. Nhiều nhà ở đã được tận dụng làm nơi kết hợp sản xuất kinh doanh, người dân tự cơi nới, cải tạo, lắp đặt cửa do đó còn nhiều bất cập trong công tác PCCC. Một phần nguyên nhân đến từ việc các vụ cháy nổ chưa được ứng phó kịp thời, lực lượng PCCC còn thiếu và yếu, trang thiết bị, phương tiện và hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa được đầu tư nhiều.
Mô hình dễ dàng di chuyển vào hẻm nhỏ
Một vấn đề nữa được ông Cường cho biết đó là ý thức của người dân còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống cháy nổ. Có những gia đình nhà chỉ có một lối thoát hiểm là cửa đi tại tầng 1, không có lối thoát hiểm khẩn cấp. Các phía của nhà dân đa phần đều bị bịt kín, dạng “lồng sắt, chuồng cọp”. Ít trang bị bình chữa cháy, việc chuẩn bị phương tiện chữa cháy thông dụng như: chăn, cát, nước… không đảm bảo yêu cầu PCCC với phương châm “4 tại chỗ”. “Do đó, chúng tôi đã phối hợp, vận động nguồn lực xã hội ngoài ngân sách đầu tư, lắp đặt một xe chữa cháy lưu động phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn”, ông Cường cho hay.
Mô hình thiết thực
Mô hình “Xe chữa cháy lưu động” có trọng tải hơn 2 tấn, chở theo máy bơm cao áp 9HP, bồn nước có sức chứa hơn 1.600 lít. Bên cạnh đó, xe chữa cháy lưu động còn chở theo nhiều vật liệu chuyên dụng chữa cháy khác như: Bình chữa cháy, búa, thang, kìm cộng lực… Xe có khả năng di chuyển cơ động trong các hẻm 2m trở lên, bảo đảm tiếp cận đám cháy nhanh nhất.
Ông Trần Văn Bảng (người dân phường 5) bày tỏ: “Việc trang bị xe chữa cháy lưu động trong tình hình hiện tại là rất cần thiết. Với mô hình này, người dân rất an tâm vì hạn chế tối đa thiệt hại trong trường hợp có xảy ra cháy nổ”.
Diễn tập PCCC từ xe chữa cháy lưu động
Cô Thái Kim Bích (người dân nơi đây) chia sẻ: “Việc đưa mô hình xe chữa cháy lưu động vào hoạt động rất hay. Dù vậy nhưng mỗi người dân cần nâng cao ý thức PCCC, nhất là vào những dịp Tết để mỗi hộ gia đình trên địa bàn đều vui và hạnh phúc vì không xảy ra những sự cố đáng tiếc”.
Thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã liên tục cho ra mắt nhiều mô hình PCCC thiết thực. Điển hình như quận 1 có 8 khu phố trong phường Bến Nghé đã cho ra mắt mô hình “Tổ liên gia PCCC và điểm chữa cháy công cộng”. Quận Bình Thạnh, quận 12 cũng có nhiều phường tiếp nối thực hiện mô hình này.
Ngoài ra, công an các quận huyện cũng triển khai nhiều chương trình diễn tập PCCC tại các chung cư, quán karaoke… giúp người dân nâng cao kiến thức xử lý tình huống khi cháy nổ xảy ra.
Khánh Kiều
Bình luận (0)