Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thiếu 2 vạn giảng viên, tiến sĩ sẽ làm đến 65 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Tính toán của Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm đổi mới công tác tổ chức cán bộ và quản lý cơ sở GD tổ chức ngày 12/5 cho thấy, bậc giáo dục ĐH thiếu khoảng 2 vạn giảng viên. Cách bù cấp tốc là kéo dài tuổi làm việc quá 60 với giáo sư, tiến sĩ. Về  lâu dài, cần thêm Luật Nhà giáo và vận hành hệ thống đào tạo sư phạm thực sự trở thành "máy cái". 

20 sinh viên/1 giảng viên: Xa thực tế
Mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2015 các trường ĐH phải có 60% giảng viên trình độ thạc sĩ, 20% là  tiến sĩ. Đồng thời, đảm bảo tỷ lệ 20 sinh viên (SV)/ 1 giảng viên.  
Chỉ số "20/1" là ngưỡng khó đạt – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét sau khi so sánh với chỉ số hiện tại là 30,89/1. 
Một giờ học tại Trường ĐH Xây dựng. Ảnh: Lan Hương
 Nhận xét này xuất phát từ thực tế, trong 3 năm qua, số giảng viên tăng 9.390 so với năm học 2004-2005.
Riêng năm 2006-2007 đã tuyển được 2.700 giảng viên ĐH, bằng với số giảng viên tuyển được của 5 năm về trước.
Ở  một số trường, chỉ số này vẫn còn 50/1. Thậm chí, có trường thuộc khối kinh tế, tính trung bình 100 sinh viên mới có 1 giảng viên.
Từ đó, ông Hiển đề nghị điều chỉnh chỉ số là 25 sinh viên/ 1 giảng viên.
Dẫu vậy, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho rằng không khả thi vì tỷ lệ này ở ĐH Đà Nẵng không giảm mà nguy cơ còn tăng (hiện tại là 31,6/1).
Lý do,  bổ sung đội ngũ giảng viên thiếu hụt không dễ vì đào tạo phải có thời gian và tốn kinh phí.
Tiến sĩ, giáo sư sẽ làm việc quá 60 tuổi
Thống kê của Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị cho thấy, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ĐH đã tăng từ 36,53% năm học 2005-2006, nhưng tỷ lệ có trình độ tiến sĩ lại giảm từ 15,56% xuống 14,77%.
Nguyên nhân là do số giảng viên có trình độ tiến sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhiều hơn số giảng viên kế cận có trình độ tiến sĩ trong khi mạng lưới các trường được mở rộng.
"Thiếu nguồn lực kế cận"  dù đội ngũ nhà giáo tính đến năm học 2007-2008 tăng gần 80.000 người – Tình trạng chung này càng đặc biệt rõ ở bậc ĐH.
Với đội ngũ hiện có trên 38.000 người, bậc đào tạo này thiếu khoảng 20.000.
Lĩnh vực dạy nghề, nếu đạt yêu cầu đến năm 2015 cũng phải bổ sung thêm 10.000 giáo viên.
Để phát triển đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện cho biết,  sẽ bàn bạc với các trường để có cơ chế để huy động giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS, GS kéo dài thời gian làm việc chứ không cứng nhắc "cho dừng" ở tuổi 60 mà có thể huy động sức cống hiến tới tuổi 65.
Thiếu giảng viên "đủ chuẩn": Xem xét ngưng tuyển sinh
Ông Nhân cũng cho hay, Bộ sẽ yêu cầu các trường phải bám sát quy định tỷ lệ giảng viên/SV, quy định về trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
"Các trường không đạt yêu cầu thì phải khắc phục, nếu không thì phải xử lý vấn đề tuyển sinh".
Hoặc, phải chấp nhận tinh thần không duy trì các trường ĐH, CĐ kém chất lượng, đồng nghĩa với việc có thể phải đóng cửa – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng và bổ sung đội ngũ giảng viên thiếu hụt, ông Bùi Văn Ga cho rằng, Bộ GD-ĐT thực hiện đơn độc thì khó thành công.
Khi Bộ Tài chính không cấp tăng kinh phí thì sẽ không giải quyết được chuyện đào tạo giảng viên.
Hiện, ngân sách Bộ Tài chính cấp chi thường xuyên dựa vào thống kê của 6 năm về trước (năm 2003). Trong khi, mức lương thay đổi nhiều.
Cả 2 bộ Giáo dục – Đào tạo và Tài chính cần có đánh giá năng lực đào tạo của tất cả các trường ĐH để có thông số tăng, giảm kinh phí phù hợp.  
Cho rằng, nhiều giảng viên được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nhấp nhổm “nhảy” chỗ khác, ông Ga kiến nghị cần sớm ban hành Luật Nhà giáo để các trường có cơ sở quản lý đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo sau ĐH.
Vực dậy "máy cái"
Một số ý kiến khác tại hội nghị góp ý, để nâng chất lượng đội ngũ thì hệ thống các trường sư phạm phải đi đầu cả về phương pháp lẫn chương trình, giáo trình giảng dạy.   
Liên quan đến kế hoạch phát triển các trường ĐH, CĐ sư phạm, Phó Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua ngành đã xác định những nội dung phải làm nhưng khâu chỉ đạo của Bộ cũng chưa cương quyết, đã có triển khai nhưng còn chậm.
Ông cũng chỉ đạo, cần sớm có giải pháp để hình thành Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm, hình thành Ban chỉ đạo của Bộ về phát triển các trường ĐH sư phạm.
Sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ phân công 1 Thứ trưởng trực tiếp phụ trách việc phát triển các trường sư phạm và đội ngũ nhà giáo của ngành. Hàng năm, có đánh giá trong chương trình báo cáo công tác.
Từ nay đến 2010, cần rà soát lại để có chương trình phối hợp phát triển đồng bộ các trường sư phạm.
"Trường sư phạm phải là “đầu tàu” của quá trình đổi mới nội dung, phương pháp. Chấm dứt tình trạng “các trường sư phạm lại lạc hậu về nội dung phương pháp so với thực tiễn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiều Oanh (Vietnamnet)

Bình luận (0)