Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thiếu cán bộ y tế học đường vì vướng… hộ khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-3, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM và đại diện các phòng ban của sở đã có buổi làm việc với Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình về công tác an toàn trường học.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, tính đến thời điểm này, 100% bếp ăn trong trường học được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hầu hết các trường học đều được công an quận hỗ trợ xây dựng phương án phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, trên 90% trường được cấp giấy chứng nhận trường học an toàn…
Song trên địa bàn quận vẫn còn 8 căn tin trong trường chưa được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Giải thích về vấn đề này, đại diện Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết: “Sở dĩ 8 căn tin này chưa được cấp giấy chứng nhận là do không đạt về điều kiện cơ sở vật chất theo quy định của ngành y tế. Nhiều căn tin thực ra chỉ là một cái tủ, trong đó đựng bánh kẹo, sữa… để bán cho học sinh. Cũng có căn tin do còn mấy tháng là hết hợp đồng với trường nên không muốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bên cạnh bếp ăn, căn tin cũng là nỗi lo về vấn đề ngộ độc thực phẩm cho học sinh nên Phòng GD-ĐT đã đề nghị các trường phải đảm bảo đầu vào của nguồn thực phẩm bày bán ở căn tin. Ngoài ra, sang năm học tới khi hợp đồng đấu thầu căn tin nhà trường phải yêu cầu đơn vị trúng thầu nâng cấp cơ sở vật chất”.
Xung quanh vấn đề 8 căn tin chưa được cấp giấy chứng nhận, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – cán bộ y tế học đường (CBYTHĐ) Sở GD-ĐT cho rằng: “Đối với những căn tin như thế này thì chỉ nên cho bán đồ ăn sẵn, không cho chế biến. Nhưng tốt nhất là dẹp, bởi có một số quận, huyện đã tiến hành đóng cửa những căn tin không đạt chuẩn”…
Ngoài việc vẫn còn một số căn tin chưa được cấp giấy chứng nhận VSATTP, Q.Tân Bình còn gặp khó khăn trong việc tuyển CBYTHĐ. Với 65 trường công lập (mầm non, tiểu học và THCS) nhưng chỉ có 27 trường có CBYTHĐ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Và trong số 27 CBYTHĐ chuyên trách cũng chỉ có 7 cán bộ thuộc biên chế, những người khác chỉ hợp đồng với trường. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người làm được 1 – 2 năm rồi xin nghỉ.
Đại diện Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình tâm tư: “Mặc dù ngành giáo dục đã có định biên CBYTHĐ nhưng do vướng hộ khẩu nên nhiều trường dù tìm được người có chuyên môn cũng không thể đưa vào biên chế. Hiện nay Q.Tân Bình có 20 CBYTHĐ đủ chuyên môn, song chỉ được ký hợp đồng với trường vì… là dân tỉnh”.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Q.Tân Bình mà là tình hình chung của toàn thành phố. Theo đó, Phó giám đốc Sở Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Các địa phương nên tìm người rồi cử đi học, có như vậy mới mong đủ CBYTHĐ để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo VSATTP trong trường học”…
Kim Anh

Bình luận (0)