Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thiếu đất xây trường thừa đất xây sân golf

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc sân golf Rạch Chiếc rộng mênh mông trong khi đó

TP.HCM hiện có 6/13 dự án đầu tư xây dựng sân golf được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư hoặc có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích hơn 1.262ha. Ngay cả như quận Gò Vấp, tại Trường Tiểu học An Hội, các cháu phải chen chúc trong một lớp học gần 60 học sinh/lớp. Vậy mà một sân golf vừa được cấp phép? Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa bức xúc nói: “TP.HCM liệu có cần đầu tư đất cho sân golf, trong khi đó các công trình phục vụ dân sinh lại đang thiếu đất!”.
Phía sau việc đầu tư sân golf
Hơn 1.262 ha đất của TP.HCM dành để đầu tư cho 6 dự án sân golf, thực tế 1/2 đất lại dùng để đầu tư cho nhiều hạng mục khác như xây dựng biệt thự; chung cư cao tầng cho thuê; trung tâm dịch vụ thương mại, giải trí;… Đại biểu Đặng Văn Khoa bày tỏ: “Tôi có nghe tin Bộ kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy phép cho 6 dự án đầu tư sân golf ở TP.HCM. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Bởi, thành phố không cần thiết phải xây sân golf. Đất thành phố mỗi ngày mỗi quý, đất dành cho công trình công cộng còn thiếu, tại sao phải đầu tư cho sân golf. Chưa nói đến hiệu quả, sân golf Đồi Cù (Đà Lạt) là một minh chứng. Thêm vào đó, phía sau việc đầu tư sân golf là bao nhiêu thứ kinh doanh. Có thể là miếng bánh cho kinh doanh bất động sản. Chưa nói đến nhiều thứ kèm theo. Thực chất của vấn đề này, tôi sẽ nêu ra trong kỳ họp lần thứ 14 khóa VII Hội đồng nhân dân thành phố”. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa bức bối: “TP.HCM không cần thiết phải đầu tư cho sân golf. Các tỉnh lân cận TP.HCM đã có lắm sân golf rồi. Ai muốn chơi golf xin mời lên Bình Dương hay Đồng Nai hoặc xuống Long An. Những người chơi golf đều là những người giàu nên có xa vài chục km chẳng đáng gì với họ. Hãy dành đất để xây trường học, bệnh viện, công viên, nhà cho người có thu nhập thấp …” . Báo cáo của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM: TP.HCM đã ưu tiên dành quá nhiều đất cho các dự án sân golf. Trong khi đất để bố trí quy hoạch các hạng mục dịch vụ công ích như bến bãi đậu xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, nhà máy xử lý bùn hầm cầu và bùn nạo vét cống rãnh, bãi đỗ xe ô tô, quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước ngầm… thì lại thiếu.
Nhiều công trình rất cần đất
Một số dự án xây dựng sân golf khác đã có quy hoạch sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất các thủ tục; đất dự kiến dành cho các dự án này vẫn đang bỏ trống hoặc được sử dụng không đúng mục đích. Đại biểu Phạm Minh Trí: “Sao không dành đất phát triển mạng lưới giao thông hoặc nhiều công trình phúc lợi khác mà lại đem đi đầu tư làm sân golf?”. Người dân than phiền về đường sá chật chội. Giờ tan tầm, hàng ngàn chiếc xe chen chúc nhau nhích từng centimet. Ngay cả lề đường dành cho người đi bộ, xe gắn máy cũng tận dụng làm đường. Một nghịch lý kéo dài nhiều ngày tháng vẫn chưa giải quyết xong. Bến xe buýt cũng là một bài toán nan giải đối với ngành Giao thông – Vận tải. Bởi lấy đất đâu để làm bến bãi. Nhiều xe buýt phải tận dụng thậm chí chiếm dụng chỗ này chỗ nọ để làm bến bãi. Cụ thể, công viên 23/9 phải thu hẹp để có chỗ cho xe buýt đậu chờ.
Thử hỏi, nếu không có hơn 50 trường THPT dân lập tư thục, hàng chục trường mầm non dân lập tư thục, hàng trăm nhóm trẻ gia đình (do các tổ chức hay cá nhân đầu tư ), liệu hàng chục ngàn học sinh sẽ học ở đâu? Năm học 2008-2009, nhiều quận huyện thiếu hàng trăm phòng học nên dẫn đến vượt chỉ tiêu quy định về sĩ số học sinh/lớp. Ngay cả quận 2, một quận ai cũng tưởng rằng thừa đất, nhưng khi hỏi đến vấn đề quy hoạch đất xây trường, bà Nguyễn Thị Minh Trí nói đi nói lại chỉ một câu: “Thôi, thôi đừng nói (!?)”. Thậm chí bà còn tiết lộ: “Mềm mỏng, xin xỏ mới có thêm đất mở rộng trường”(!?).
Lãng phí

Phân hiệu Trường TH An Phú (Q.2) chỉ có một dãy phòng học (ảnh nhỏ)

Dự án xây dựng sân golf đầu tiên vào năm 1992, TP.HCM quy hoạch tại khu vực đồi Lâm Viên, quận 9, với diện tích 300ha. Sau đó, nhiều khu đất nông nghiệp ở các quận ven trung tâm và huyện ngoại thành như quận 7, 9, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Củ Chi… và quận Gò Vấp nằm sát trung tâm thành phố, một khu đất dành cho sân golf gần sân bay Tân Sơn Nhất (do Công ty Trường An làm chủ đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý) cũng được quy hoạch làm sân golf. Đến nay, nhiều dự án sân golf (vì lý do này hay lý do khác) với hàng ngàn ha đất bị bỏ trống như sân golf Sing – Việt. Sân golf này được cấp giấy phép từ năm 1998 gần 9 năm sau mới có quy hoạch chi tiết 1/2.000. Hay như sân golf Rạch Chiếc bắt đầu xây dựng từ năm 2001, nhưng hơn 7 năm sau vẫn chưa hoàn thành và đất vẫn bỏ hoang (chỉ hoàn thành 57% diện tích đất được giao), vì người dân không đồng ý với giá đền bù nên chưa giao đất. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM nói: “13 dự án sân golf là quá nhiều, gây lãng phí đất”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Phải xem xét điều chỉnh những bất hợp lý trong quy hoạch các sân golf. Những dự án sân golf đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, đề nghị thành phố chuyển thành các khu chức năng khác phục vụ cho người dân”. Trao đổi với PV báo Giáo Dục TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài – Phó chủ tịch thường trực UBND TP cho biết: UBND TP đang rà soát kỹ những dự án sân golf.
T.T.Q
 

Bình luận (0)