Mới vào đầu mùa “cắt điện”, nhưng hàng loạt doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã phải kêu trời. Có doanh nghiệp chịu không nổi, còn gửi thư tới cả Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cầu cứu…
Tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lao đao. Ảnh: TTXVN. |
Cty TNHH Italisa là doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp tại KCN Song Khê – Nội Hoàng (Bắc Giang). Hằng tháng, Cty tiêu thụ lượng điện khá lớn. Tuy nhiên, việc cắt điện thường xuyên không báo trước trong quý I đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của Cty.
Theo một cán bộ Phòng Tổ chức – Hành chính Cty, chỉ tính riêng trong tháng 3-2011, đơn vị đã 6 lần bị cắt điện với tổng thời gian 28 tiếng. Trong những ngày bị mất điện, Cty buộc phải cho công nhân nghỉ việc hoặc làm bù vào ngày chủ nhật. Vì thường xuyên mất điện nên việc sản xuất bị đình đốn, ảnh hưởng đến tiến độ các đơn hàng đã ký kết với đối tác. Mặc dù Cty Italisa có máy phát điện dự phòng nhưng không đáp ứng được đủ điện sản xuất.
Ông Sachio Kageyama – Tổng Giám đốc Cty Canon Việt Nam cho PV Tiền Phong biết, Canon hiểu rất rõ việc cắt điện là vấn đề chung của cả nước. Tuy nhiên, với cường độ cắt điện như hiện nay, việc sản xuất kinh doanh của hai nhà máy Canon tại KCN Tiên Sơn và Quế Võ (Bắc Ninh) đang bị ảnh hưởng nặng nề. Cty Canon đã kiến nghị nhiều lần nhưng UBND tỉnh Bắc Ninh chưa có biện pháp giải quyết.
“Những sự cố mất điện ở Bắc Ninh mà Canon đang gặp phải là không thể tưởng tượng được. Để đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất ổn định, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện đúng tiến độ các nhà máy điện. Đồng thời, phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trên toàn quốc để có biện pháp cung ứng điện an toàn”- ông Sachio Kageyama kiến nghị.
Bức xúc tình trạng bị cắt điện, ông Shim Wonhwan – Tổng GĐ khu tổ hợp Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong, Bắc Ninh) còn gửi thư lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cầu cứu. Theo ông Shim Wonhwan, hiện nhà máy sản xuất điện thoại di động của Cty tại KCN Yên Phong đã đi vào hoạt động với công suất trung bình 6 triệu sản phẩm/tháng (tiếp tục mở rộng lên 11 triệu sản phẩm/tháng) và nhà máy thứ hai cũng đã bắt đầu khởi công xây dựng.
Với nhu cầu đang tăng cao của thị trường thế giới, dự kiến, trong năm 2011, doanh thu xuất khẩu của Cty sẽ lên tới 3 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng mất điện, cắt điện khiến sản xuất của Cty bị ngưng trệ. Đặc biệt, việc mất điện đột ngột, trong nhiều giờ, vào những đợt sản xuất cao điểm đã gây ra các sự cố không đáng có như lỗi hệ thống máy tính, kẹt nguyên vật liệu, hư hỏng máy móc thiết bị tự động, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Cũng bức xúc trước tình trạng mất điện đột ngột, lãnh đạo Cty TNHH Toyo Ink Compounds Việt Nam (sản xuất hạt nhựa trộn màu, KCN Quế Võ) cảnh báo rằng, Bắc Ninh đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nhưng nếu họ vào càng nhiều càng khiến tình trạng thiếu điện trở nên nghiêm trọng.
“Trong trường hợp vẫn chưa cải thiện ngay thì chúng tôi đề nghị ngành điện nên thông báo trước lịch cắt điện trước một tuần hoặc có thể trước một tháng để chúng tôi chủ động”- lãnh đạo Cty Toyo đề xuất.
Khó đáp ứng
Làm việc với phóng viên, ông Ngô Sỹ Bích – Trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, cho biết tỉnh có 15 KCN đô thị được quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hầu như huyện nào cũng có KCN. Tình trạng cắt điện đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn điện phân bổ cho Bắc Ninh bị thiếu hụt, nên khó khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Hải – GĐ Sở Công Thương Bắc Ninh lý giải, công suất tiêu thụ lớn nhất ở một số thời điểm trong tháng của tỉnh là 320 MW, trong khi chỉ được phân bổ 257,53 MW nên phải tiết giảm 62,47 MW, tương ứng 19,52%. Trong ba tháng tới (4,5,6), ngành điện Bắc Ninh sẽ tiếp tục tiến hành tiết giảm điện (khoảng 212,63 MW) nên tình trạng thiếu điện chắc chắn vẫn tiếp diễn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nhân Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết đã nhận được phản ánh từ phía các doanh nghiệp về vấn đề thiếu điện. Dù khó khăn nhưng UBND tỉnh hứa sẽ cố gắng chỉ đạo ngành điện đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn như: Samsung, Canon, Hanaka, Foxcon…
Về lâu dài, để đảm bảo công bằng, việc tiết giảm điện đối với khách hàng được tiến hành minh bạch, không tiết giảm kéo dài ở một khu vực. Đồng thời, sẽ có lịch tiết giảm từng tuần cụ thể và được công bố rộng rãi cũng như thông báo đến từng khách hàng để có phương án chủ động trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Cục điều tiết điện lực: DN phải nghỉ luân phiên
…Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên về việc cấp điện trong những tháng mùa khô, ông Phạm Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết hiện chưa có quyết định hay chỉ thị nào về việc ngừng ưu tiên cấp điện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cần xem lại thực tế năm 2010 ta thiếu lượng điện khá lớn, phải cắt giảm tới 1,4 tỷ kWh.
Năm ngoái chúng ta ưu tiên điện cho sản xuất nên việc cắt giảm chủ yếu vào điện sinh hoạt và nông thôn. Điều này tác động rất lớn đến đời sống người dân. Năm nay, sẽ điều chỉnh lại việc cắt điện. Chính phủ cũng có chỉ đạo các ngành tiêu thụ điện lớn mà hiệu quả không cao thì cũng phải chịu cắt điện để hỗ trợ cho sinh hoạt. Năm nay cũng có thể sẽ thực hiện việc cắt điện luân phiên với các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, ngành điện đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp phải bố trí sản xuất theo khả năng cung cấp điện, ví dụ có doanh nghiệp sẽ phải nghỉ vào thứ Hai, luân phiên doanh nghiệp khác nghỉ vào thứ Ba, cứ thế là thứ Tư, thứ Năm… để giảm phụ tải nguồn và để việc cắt điện không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp hài hòa trong việc cắt điện luân phiên, thay vì ưu tiên cho sản xuất như mọi năm.
Chưa ai dám kiện ông độc quyền
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết dù trong luật có quy định nhưng đến nay chưa ai dám kiện đòi ngành điện bồi thường thiệt hại cả. Cũng chưa có số liệu của bất cứ cơ quan nào thống kê, đánh giá được những thiệt hại do việc cắt điện gây ra.
Theo ông Ngãi, trong luật có quy định khi ngành điện ngừng, giảm cung cấp điện để sửa chữa, bảo dưỡng thì phải có nghĩa vụ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 5 ngày.
Trường hợp khách hàng có hợp đồng sử dụng điện bị thiệt do cắt điện không báo trước, hoặc có thông báo nhưng chậm hoặc không đảm bảo thời hạn theo quy định thì khách hàng hoàn toàn có quyền đòi ngành điện phải bồi thường. Ngoài việc đòi bồi thường thiệt hại vật chất, khách hàng cũng có thể yêu cầu ngành điện bồi thường thiệt hại về tinh thần. Khách hàng phải chứng minh bị thiệt hại bao nhiêu do việc việc cắt điện gây ra.
Anh Phan Lê Sâm, GĐ điều hành sản xuất của Cty Cổ phần Thủy sản Bình An chuyên chế biến cá tra xuất khẩu ở khu công nghiệp Cần Thơ, cho biết, thứ 6 tuần qua bị cúp điện từ 8 giờ đến 16 giờ 30 phút đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
“Máy phát điện dự phòng của Cty chỉ đủ cho kho lạnh và văn phòng làm việc, còn các dây chuyền sản xuất phải ngừng. Không ra sản phẩm nhưng chi phí cho nhà máy và lương công nhân tốn 400 – 500 triệu đồng một ngày vẫn phải duy trì.
|
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)