Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thiếu giáo viên ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận giáo dục của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu giáo viên không phải là câu chuyện mới nhưng đang 'nóng' trở lại do tình hình một số địa phương có nhiều giáo viên nghỉ việc và năm học 2022-2023 cả 3 cấp học sẽ cùng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học này lớp 3, 7 và 10 sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa mới; riêng lớp 10 có một số môn học mới nên bài toán phải có đủ giáo viên thì mới có thể triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 càng trở nên nan giải hơn bao giờ hết.

Thiếu giáo viên ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận giáo dục của học sinh - ảnh 1

Năm học mới, nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là giáo viên các môn mới. Đ.N.T

Ngày 12.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Bộ Giáo dục và đào tạo thông tin cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình giáo dục 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (cấp THPT). Mặc dù vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022 – 2026, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học tới nhưng thực tế việc tuyển dụng này không thể làm nhanh và có những môn học không có giáo viên ứng tuyển. Điển hình là giáo viên tin học ở cấp tiểu học.

Có chỉ tiêu nhưng không tuyển được hoặc không có ứng viên dự tuyển sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Điều này không chỉ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở chính trung tâm thành phố.

Ngay trong 1 phường, 2 trường tiểu học chỉ cách nhau khoảng 2 km thôi nhưng đã có sự khác biệt. Trường A con tôi học có phòng máy tính đã được vài năm nhưng không có giáo viên nên các con dù đã tốt nghiệp vẫn chưa được học tin học. Trong khi đó trường B cách đó 2 km lại có giáo viên nên các cháu được học tin học từ khá sớm. Oái ăm ở chỗ, theo đúng tuyến, khi lên lớp 6, các cháu của cả trường A và B đều cùng vào trường C.

Thiếu giáo viên ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận giáo dục của học sinh - ảnh 2

Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học mới. ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh và phụ huynh không phải là nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên nhưng chính học sinh lại đang là đối tượng phải chịu sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tình trạng này không khác gì khi việc học tiếng Anh của sinh viên đại học năm thứ nhất, nhiều em học rất tốt nhưng cũng có em vốn ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện học ngoại ngữ dẫn đến phải chạy bở hơi tai để theo kịp tốc độ học chung của cả lớp.

Trong bối cảnh nhiều giáo viên bỏ việc như hiện nay thì câu chuyện tuyển dụng giáo viên tin học, Anh văn cho cấp tiểu học lại càng thêm khó khăn bởi ai cũng thấy lương của giáo viên không cao, nếu đã có bằng đại học ngoại ngữ, tin học thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao hơn hẳn so với việc đi dạy học ở trường công. Dù có yêu nghề, yêu trẻ đến mấy nhưng khi đứng trước sự lựa chọn làm vì đam mê lương 3-4 triệu đồng/tháng và làm đúng chuyên môn lương 9-10 triệu đồng/ tháng, thậm chí cao hơn nữa thì liệu có mấy người chọn nghiệp cầm phấn?

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học sẽ chỉ có thể thành công nếu đòi hỏi cơ bản nhất là yếu tố con người – giáo viên – phải đủ chất và lượng. Còn nếu cứ tình trạng thiếu giáo viên như hiện tại thì sẽ là vô cùng khó khăn cho các nhà trường để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Như Bình/TNO

 

Bình luận (0)