Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thiếu giáo viên mầm non có trình độ

Tạp Chí Giáo Dục

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực sư phạm tại TP.HCM hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là những giáo viên mầm non có trình độ.
Năm 2008, Sở GD-ĐT TP.HCM tuyển hơn 4.000 giáo viên nhưng qua 2 đợt tuyển dụng chỉ đáp ứng được trên 60% nhu cầu. Nhiều giáo viên được tuyển

Giờ học múa của sinh viên khoa Giáo dục mầm non trường ĐH Sư phạm TP.HCM

nhưng không đi dạy vì không đúng nguyện vọng của giáo viên. Trong khi đó, mỗi năm trường ĐH Sư phạm TP.HCM và trường ĐH Sài Gòn đào tạo được chỉ trên dưới 1.000 giáo viên các cấp. Trong đó, mỗi năm chỉ tiêu đầu vào ngành giáo viên mầm non của mỗi trường chỉ trên dưới 100. Nhất là sự ra đời và nâng cấp của hàng loạt các cơ sở nuôi dạy trẻ càng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ không chỉ trong giảng dạy mà cả cấp quản lý, thanh tra.
Yêu cầu thi đầu vào của ngành này là khối M, ngoài môn Toán, Văn còn phải trải qua kỳ thi năng khiếu: hát, lặp tiết tấu, thẩm âm tiết tấu, kể chuyện, đọc diễn cảm và phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, để có thể tham dự kỳ thi, thí sinh phải không bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Nữ phải cao từ 1,5m và nam cao từ 1,55m trở lên.
Khi vào học, sinh viên ngành giáo dục mầm non cũng được đào tạo đa lĩnh vực. Bên cạnh các môn kiến thức đại cương, khối kiến thức trong lĩnh vực nghệ thuật là điều bắt buộc: múa, hát, đàn, mỹ học, mỹ thuật, nghệ thuật học. Ngoài ra cũng không thể thiếu các kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, các phương pháp dạy học, phương pháp nuôi dạy và chăm sóc trẻ, kiến thức về quản lý giáo dục mầm non…
Tiến sĩ Đinh Thị Tứ – Trưởng khoa Giáo dục mầm mon trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: Nhu cầu giáo viên, quản lý trong ngành mầm non hiện nay đang rất thiếu. Nguồn sinh viên tốt nghiệp của nhà trường không đủ đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong 10 năm qua, bậc ĐH hệ chính quy có 10 khóa với 736 sinh viên, trong đó có 5 khóa đã tốt nghiệp với 388 sinh viên. Trong khi đó, quy mô đào tạo hệ ngoài chính quy phát triển mạnh, với hơn 8.000 sinh viên đã và đang theo học các hệ: hệ vừa học vừa làm, hệ chuyên tu, hệ hoàn chỉnh kiến thức, trong đó trên 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp.
Các lớp này không chỉ ở TP.HCM mà còn trải khắp các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực tế, trường còn đào tạo và cấp chứng chỉ nghề Dinh dưỡng học đường bậc mầm non và phổ thông, Bảo mẫu học đường bậc mầm non và phổ thông. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng cho rằng: “Giáo viên mầm non được đào tạo từ trường ĐH Sư phạm TP.HCM luôn được tuyển chọn 100% và đáp ứng được phần nào nhu cầu đổi mới giáo dục mầm non của thành phố hiện nay”.
Trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội, để nâng cao chất lượng giảng dạy, khoa Giáo dục mầm non trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tham gia dự án trao đổi giảng viên với trường ĐH Jonkoping (Thụy Điển), cử nhiều cán bộ giảng viên học hỏi kinh nghiệm về giáo dục mầm non ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc… Từ đây, nhiều giáo trình và tài liệu tham khảo về lĩnh vực giáo dục mầm non phục vụ cho việc học và nghiên cứu của sinh viên đã ra đời như: Dạy học tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, Dinh dưỡng trẻ em, Sinh lý đại cương và sinh lý học trẻ em…
Ánh Ngọc (TNO)

Bình luận (0)