Giật gấu vá vai
Có mặt tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1) vào chiều 19-9, chúng tôi vô tình bắt gặp cuộc trao đổi nghiệp vụ giữa hiệu trưởng Lê Công Minh và một nữ giáo sinh trẻ (xin được giấu tên). Cô hiện là học viên cao học tại một trường đại học lớn trên địa bàn TP, vừa được ký hợp đồng thử việc tại đây.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Minh cho biết: “Trường không có biên chế giáo viên tiếng Anh. Nhiều năm trước, chúng tôi tìm người thông qua các trung tâm môi giới, song ai cũng chỉ gắn bó với trường được vài tháng rồi nhảy việc sang nơi khác. Do đó, năm nay đích thân tôi liên hệ tìm giáo viên thông qua các mối quan hệ bạn bè của mình, dùng số tiền thay vì chi trả cho các trung tâm môi giới để tăng thêm thu nhập cho giáo viên nhằm giữ chân họ”. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, tổng số giáo viên tiếng Anh của trường cũng chỉ dừng lại ở con số 2 khiêm tốn.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh), cô Bạch Thị Ánh Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học 2011-2012, trường có 3 giáo viên tiếng Anh theo hình thức hợp đồng thời vụ. Để giúp thầy cô toàn tâm toàn ý với công tác chuyên môn khi ngân quỹ lương có hạn, nhà trường đặc biệt quan tâm đến các chính sách chăm lo đời sống như tặng quà thầy cô nhân các dịp lễ, tết; khuyến khích tham gia các sinh hoạt đoàn thể nhằm gắn kết họ với bộ phận giáo viên còn lại”.
Bởi nếu không làm tốt công tác “hậu mãi”, những người này thường có khuynh hướng chạy sô ở nhiều nơi, nguy cơ nhảy việc cao khi có nơi hậu đãi tốt. Song đó là ở thời điểm hiện tại, khi nhà trường mới triển khai chương trình tiếng Anh tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần. Trong tương lai, nếu áp dụng các chương trình tiếng Anh đại trà và tiếng Anh tăng cường với yêu cầu thời lượng và đội ngũ giáo viên nhiều hơn, bài toán giữ chân giáo viên càng là vấn đề nan giải. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn TP như Phú Hữu (quận 9), Bình Lợi Trung, Trí Đức (quận Bình Thạnh), Lam Sơn (quận 6), Trần Quốc Thảo (quận 3)…
Thầy Nguyễn Đạt Sử, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), bày tỏ: “Với mức thù lao khiêm tốn hiện nay, từ 20.000-30.000 đồng/tiết dạy, các trường khó lòng tìm được nguồn giáo viên giỏi”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy tiếng Anh theo chương trình thí điểm không dạy quá 18 tiết/tuần, tức 72 tiết/tháng. Như vậy, chưa tính các khoản phụ cấp khác (nếu có), tổng thu nhập của một giáo viên tiếng Anh tiểu học chỉ ở mức 1,4 – 2,1 triệu đồng/tháng, quá khiêm tốn so với mặt bằng đời sống chung của xã hội.
“Đa phần các trường chỉ tuyển được sinh viên mới ra trường hoặc những người công tác ở lĩnh vực khác, xem dạy học như nghề tay trái kiếm thêm thu nhập”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 đúc kết.
Tìm lối ra
Theo mục tiêu của đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, cả nước sẽ hoàn thành phổ cập tiếng Anh cho học sinh lớp 3 vào năm 2018-2019, hướng đến mục tiêu 100% thanh niên Việt Nam sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp, nghiên cứu, học tập và hội nhập quốc tế vào năm 2020. Tuy nhiên, tính đến nay, cả nước mới có 72 trường tiểu học được chọn thí điểm chương trình phổ cập ngoại ngữ.
Theo tính toán của ngành giáo dục, để thực hiện đề án, từ nay đến hết năm 2020 cả nước cần thêm 24.000 giáo viên tiếng Anh tiểu học. Trong khi đó, vào thời điểm hiện tại, cả nước chưa có trường cao đẳng, đại học nào có mã ngành đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học. Phần lớn đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay đều lấy từ khoa tiếng Anh của các trường đại học, có bổ sung thêm chứng chỉ ngắn hạn về phương pháp giảng dạy.
Cá biệt, một số nơi tuyển dụng cả du học sinh, người đang công tác tại các tổ chức phi chính phủ thuộc các nước Anh, Mỹ, Úc, Singapore… Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng chất lượng giảng dạy không đồng đều, nguồn giáo viên thường xuyên thay đổi khiến việc học của học sinh chịu nhiều ảnh hưởng.
Trước thực trạng đó, từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT quyết định hạ chuẩn giáo viên tiếng Anh tiểu học từ trình độ B2 (tương đương 550 điểm TOEFL) xuống còn B1 (tương đương 400 điểm TOEFL) với điều kiện giáo viên cam kết tự bồi dưỡng nâng cao trình độ vào cuối năm học. Song nếu không làm tốt công tác chăm lo và hỗ trợ đời sống giáo viên, khó ai bảo đảm những người này sẽ bám trụ lâu với nghề dạy học. Khi đó, môi trường sư phạm mãi chỉ là mảnh đất dừng chân tạm thời.
Theo Thu Tâm/ SGGP
Bình luận (0)