Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thiếu hàng chất lượng cao?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, tổng số doanh nghiệp (DN) niêm yết tại hai sàn là 519 DN. Con số này không phải là nhỏ so với các nước trên thế giới, nhưng theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), thị trường vẫn còn thiếu vắng các cổ phiếu tiêu biểu, hấp dẫn.

Cổ phiếu chất lượng cao
Theo VAFI, hai sàn đã có rất nhiều thương hiệu DN nổi tiếng tham gia niêm yết. Đây là những DN nhà nước được cổ phần hóa hoặc DN tư nhân chuyển thành. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn thiếu vắng các “đại gia” của một số ngành như viễn thông, khoáng sản, dầu khí.
VAFI đề nghị bổ sung những cổ phiếu "chất lượng cao" – Ảnh Quý Hòa
Những DN viễn thông lớn như MobiFone, VinaPhone chậm trễ cổ phần hóa có thể khiến giới đầu tư không còn chú ý nhiều nữa vì không còn hấp dẫn khi thị trường viễn thông đã gần tới điểm bão hòa, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm lại, cộng với vốn điều lệ lớn khi thực hiện cổ phần hóa.
Còn ngành khai thác khoáng sản, không như trước đây, các nhà đầu tư cũng không còn đặt kỳ vọng vào Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong lãnh vực tư nhân, hầu như công ty nào quy mô lớn kinh doanh có hiệu quả đều đã được niêm yết. Do đó, cổ phiếu tốt từ khu vực này không còn nhiều.
Từ những nhận định trên, VAFI đã đề nghị cần phải có cổ phiếu chất lượng cao. Việc này đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt ra các tiêu chuẩn mới vì tiêu chuẩn cũ không còn phù hợp.
Cụ thể, Hiệp hội này đề nghị: nâng vốn điều lệ công ty niêm yết lên 120 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế phải từ 20% hoặc 25% trở lên; kinh doanh lỗ ba năm liên tục phải hủy niêm yết; mức bình quân của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của 5 năm niêm yết liên tục phải trên 15%. Quy định như vậy để các DN niêm yết luôn luôn cố gắng làm tốt công tác quản trị DN.
Thích cổ phiếu sinh lợi
Anh Đoàn Minh Mẫn, nhà đầu tư trên sàn SBS cho rằng, hiện nay, nhà đầu tư không chú ý đến cổ phiếu kinh doanh tốt, thậm chí không cần biết cổ phiếu của DN có vốn điều lệ lớn hay không. Bằng chứng là thời gian qua, nhiều công ty kinh doanh lỗ nhưng thị giá cổ phiếu vẫn lên ào ào.
Nếu nói nhà đầu tư không có thông tin thì quả là coi thường khả năng tìm kiếm của họ. Do vậy, sự có mặt của 500 mã cổ phiếu trên sàn thiết tưởng cũng đã quá đủ để nghiên cứu, nghe ngóng mà lướt sóng. Có thêm cổ phiếu tốt với tình hình thị trường hiện tại thì cũng là thiểu số trong số đã niêm yết trên sàn.
Theo anh Hoành Thạch Lân, Giám đốc Môi giới cho Công ty Chứng khoán MHBS, yêu cầu của VAFI đòi tăng thêm chuẩn niêm yết cho HoSE và HNX là không thực tế. Thực tế, quy định này chưa chắc đã giúp cho HoSE và HNX nâng cao chất lượng bằng các điều kiện gần gũi với kết quả tài chính hơn.
Ví dụ, thay vì quy định “công ty lên sàn HoSE phải có vốn điều lệ hơn 80 tỷ đồng”, thì nên thay bằng “công ty làm ăn có hiệu quả”. Chứ nếu chỉ nói vốn điều lệ tăng là cổ phiếu tốt thì không đúng. Ngay như trên sàn HoSE có nhiều công ty làm ăn chưa bao giờ lỗ, nhưng Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) cứ loanh quanh 10%, nợ nhiều nhưng suốt ngày phát hành thêm để lý giải là tái cấu trúc tài chính, nhưng thực chất là tăng vốn để xài thêm. Nếu chỉ vậy thì không ai dám chắc cổ phiếu của công ty đó là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cả.
Kế đến, VAFI đòi Nhà nước phải bán bớt cổ phần tại các công ty niêm yết. Việc nhà nước nắm cổ phần chi phối có thể khiến nhiều người nghĩ là “tiền chùa” nên giám đốc công ty không cố gắng làm ăn có hiệu quả. Nếu bán bớt cổ phần nhà nước cho tư nhân thì công ty này sẽ cố gắng hơn.
Điều đó có thể xảy ra nhiều, nhưng không phải tất cả đều như thế, nếu phân tích các DN trên sàn thì càng không chứng minh được điều đó. Hầu hết các công ty cổ phần từ quốc doanh, sau khi niêm yết lần đầu (IPO) đều làm ăn tốt hơn, cho dù chỉ IPO hình thức, như VCB, BVH, CTG hay IPO mạnh tay như LCG, BT6, PPC…
Điều này cho thấy việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối có thể duy trì sức ì ở ban lãnh đạo công ty hay vẫn giữ thế “độc quyền”, nhưng không có nghĩa là công ty niêm yết không nâng cao được chất lượng.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty Đầu tư Cổ Phiếu Vàng cho rằng, đề nghị của VAFI là quá tốt, nên có những cổ phiếu đại diện cho nền kinh tế. Nếu như các cổ phiếu đều chuẩn mực, chất lượng cao, khối lượng niêm yết lớn thì các nhà đầu cơ khó làm giá được như trong thời gian qua, tạo nên một thị trường lành mạnh và bảo vệ được nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện vì đặt ra chuẩn mới liên tục, chỉ riêng việc tăng vốn điều lệ cũng làm xáo trộn trật tự cổ phiếu trên sàn.
HỒ ĐẠT SANH / DNSG

Bình luận (0)