Luôn bị coi là “sân dưới”, bị “lấn sân”, ít được phụ huynh và học sinh quan tâm… là những khó khăn thường trực khiến các trường trung cấp chuyên nghiệp luôn nằm trong tình trạng “thiếu trước thiếu sau” mỗi mùa tuyển sinh.
Trường đại học “lấn sân” Nhiều nguyên do dẫn đến tình trạng thí sinh không đăng ký vào các trường TCCN, trong đó một phần do các trường ĐH, CĐ cũng tuyển sinh hệ TCCN.
Với ưu thế là trường ĐH, nhiều trường xét tuyển những thí sinh không đủ điểm vào ĐH để vào hệ CĐ và TCCN. Không ít trường còn hút thí sinh bằng những quảng cáo học TCCN được liên thông lên ĐH làm nhiều thí sinh cứ tưởng học xong trung cấp sẽ được học tiếp lên ĐH nhưng thực tế không phải vậy, muốn học liên thông lên ĐH, thí sinh phải thi tuyển và yêu cầu phải tốt nghiệp loại khá trở lên mới đủ điều kiện dự thi….
Ngoài ra, với tâm lý học sinh muốn học tại trường ĐH sẽ “oai” hơn, nên đã có không ít thí sinh đăng ký vào hệ TCCN của các trường ĐH chứ không chọn các trường TCCN.
Văn Hoàng (ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) cho biết: “Em thi trượt ĐH nhưng không muốn ở nhà ôn thi tiếp năm nữa nên quyết định nộp hồ sơ vào hệ TCCN của ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Đã đi học nghề thì chọn trường ĐH còn hơn là vào trường trung cấp, hơn nữa nhà trường cũng cho biết, sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty, doanh nghiệp hoặc có thể tiếp tục tham gia học liên thông lên CĐ, ĐH chính quy tại trường, có thể vừa đi học vừa đi làm, tốt nghiệp được cấp bằng ĐH chính quy”.
Lý giải tình trạng trên, ông Đỗ Quốc Anh – Vụ trưởng, giám đốc Văn phòng đại diện phía Nam, Bộ GDĐT, nhận định: Do nhận thức của người dân, nhà trường, xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đúng, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó là sự yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp gây trở ngại không ít đến việc quyết định lựa chọn học nghề của học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH tỷ lệ học sinh học nghề tìm được việc làm chiếm trên 70%, một số cơ sở dạy nghề còn đạt tới 95%. Cả nước đang thiếu từ 1,4 – 1,7 triệu người đã qua đào tạo nghề.
Dễ xin việc, thu nhập cao
Thực tế cho thấy, nhu cầu lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, vì thế cơ hội có việc làm cho sinh viên học CĐ nghề hay TCCN là khá cao. Một số nghề luôn “khát” lao động có tay nghề như xây dựng, thợ hàn, điện cơ hay nhân viên chuyên nghiệp cho ngành Du lịch – Nhà hàng – khách sạn.
Theo thống kê, những sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp xây dựng đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trường CĐ nghề Lilama 1 (Ninh Bình) cho biết, học viên khoa Hàn ra trường bao giờ cũng có việc làm ngay với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng. Với những học sinh có chứng chỉ hàn 6G (hàn kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế) ra trường, lương ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng.
Mới đây Bộ LĐTB&XH đã phê duyệt đề án phát triển các nghề trọng điểm và trường được lựa chọn đào tạo nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, 121 nghề được đầu tư đào tạo trọng điểm, trong đó có 26 nghề được đầu tư đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, 49 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN, 107 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia.
Ngoài các nghề trọng điểm, 200 trường CĐ nghề, trung cấp nghề công lập trong cả nước cũng sẽ được hỗ trợ đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo Nguyên Minh
(;aodong)
Bình luận (0)