Sân khấu TP HCM đang thiếu đội ngũ tác giả kịch bản có tầm hay thiếu công chúng mộ điệu đích thực?
Nhiều tranh luận
Hai trong số nhiều kịch bản được đem ra mổ xẻ trước tiên ở trại sáng tác kể trên là kịch bản "Loa, loa, loa" (tác giả Thanh Bình) và "Con chó chết" (tác giả Đăng Minh) nhận được nhiều ý kiến tranh luận, làm sáng tỏ hơn chủ đề tư tưởng của kịch bản.
Kịch bản "Loa, loa, loa" nói về sự tồn tại của cái loa phường, nơi ông giáo già không thể chịu được tiếng ồn của nó ngay trước nhà mình, khi chiếc loa cứ buộc người dân nghe những điều họ đã biết. Kịch bản "Con chó chết" kể về gia đình một cán bộ biến chất, tham nhũng, được che giấu đến khi con chó trong nhà quan tham bị chết thì mọi việc làm mờ ám được phơi bày.
Theo đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, những trại sáng tác gần đây đã bắt đầu có các kịch bản mang hơi thở thời sự, hứa hẹn sẽ tạo những vở diễn hướng đến nhiều vấn đề trăn trở của xã hội.
"Vụ án đưa – nhận hối lộ, tham nhũng từ Công ty Việt Á khiến nhiều cán bộ chủ chốt phải vướng vòng lao lý đang cần lực lượng sáng tác xây dựng thành kịch bản sân khấu" – ông Cần bày tỏ.
Các tác giả tham gia “Trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022” tại TP Phan Thiết do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức. Ảnh: Thanh Hiệp
Những người trong giới thừa nhận sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản có chất lượng, không có tính đột phá và dự báo, nhất là kịch bản đụng chạm đến những vấn đề nóng. Các sàn diễn tại TP HCM cứ "xào nấu" kịch bản cũ cho tiện hoặc chọn giải pháp dựng kịch hài, để tạo độ an toàn cho sàn diễn.
Tác giả Đăng Minh trăn trở: "Kịch bản hay là phải nói lên được vấn đề nhiều người quan tâm, bức xúc trong xã hội về văn hóa, kinh tế, chính trị, đạo đức, tệ nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, mua bán bằng cấp… Cũng có những kịch bản viết về các vấn đề này nhưng không có nơi nhận để dàn dựng vì ngại đụng chạm. Không ít kịch bản của tôi đã nhận được phản hồi là vấn đề "nhạy cảm" do vậy đành phải cất kho".
Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: "Kịch bản viết về những vấn đề "nhạy cảm" như chống tiêu cực, tham nhũng nếu viết không tới thì rất khó nhận được sự đồng ý của các đơn vị nghệ thuật. Nếu muốn những vở diễn này được sáng đèn thì tác giả phải có cách viết đặt và giải quyết vấn đề hợp lý; bố cục, thủ pháp, ngôn ngữ sân khấu phải tới nơi tới chốn mới tìm được sự đồng cảm của công chúng".
Phải có sự dấn thân
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay nhiều nhà hát đã lựa chọn việc dựng lại những tác phẩm cũ, né tránh các vấn đề đương đại. Do yếu tố an toàn nên đa phần các đơn vị nghệ thuật không dám dàn dựng những vở quá gai góc.
Thực trạng sân khấu chỉ dựng vở cũ là nỗi buồn của nhiều nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn còn tâm huyết với nghề. Tác giả Đức Hiền tâm sự: "Khát vọng lớn nhất của đội ngũ sáng tác kịch bản chính là được viết về đời sống đương đại. Sàn diễn nếu chỉ có những tác phẩm cũ thì chắc chắn sẽ ngày càng cũ kỹ, lạc hậu hơn. Các tác giả cần thay đổi cách nhìn, phải tiếp cận những diễn biến liên tục của cuộc sống, nhất là phải có sự dấn thân khi sáng tác kịch bản".
Tác giả Đăng Minh cho rằng xã hội ngày nay có nhiều vấn đề còn khốc liệt hơn thời của tác giả Lưu Quang Vũ. Đội ngũ các tác giả ngày nay cần mạnh dạn đi vào các "vùng cấm" đó. Tìm kiếm cảm hứng sáng tạo từ các trại sáng tác để dũng cảm đương đầu với những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Có ý kiến cho rằng hiện nay không có kịch bản hay, chất lượng, nguyên nhân một phần là do nhuận bút quá thấp. Theo tác giả Đăng Minh, đây là nhận định chưa chính xác, phiến diện. "Tôi đã viết các kịch bản "Oan hồn", "Người chết trở về", "Tử hình"… Đây là những kịch bản về đề tài đương đại, đã được Sân khấu Kịch Sài Gòn dàn dựng và mua bản quyền mỗi kịch bản 12 triệu đồng. Hay kịch bản "Sống để yêu thương" viết về dịch Covid-19 theo đơn đặt hàng của Trung tâm Văn hóa Đồng Tháp, phát sóng trên VTV1, VTV4 đã nhận nhuận bút hơn 60 triệu đồng" – tác giả Đăng Minh thông tin.
"Tôi tin rằng vẫn còn những ngòi bút tài năng, không ngại khó, sẽ luôn nỗ lực sáng tác để góp phần tạo nên diện mạo mới cho sân khấu" – NSND Trần Minh Ngọc kỳ vọng.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)