Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thiếu kinh phí, trường nghề khó nâng chất

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo là do các trường chỉ có thể xoay xở trong nguồn kinh phí ngân sách cấp.

Với nguồn kinh phí hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó có thể đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong ảnh: học sinh THCS và THPT tham quan trang thiết bị dạy nghề tại một ngày hội giáo dục

Khi học phí không đủ bù chi

Ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cho biết trường cũng có thể tăng nguồn thu thông qua dịch vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, ở một số khoa có dịch vụ là trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dịch vụ gia công… Đây cũng là lợi thế để trường mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) chia sẻ: “Đào tạo gắn với doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu hiện nay, do đó cần phải xây dựng các chiến lược, kế hoạch tiếp cận doanh nghiệp nhằm cung cấp các gói dịch vụ đào tạo phù hợp. Hoạt động dịch vụ phải gắn với đào tạo, hỗ trợ lẫn nhau giữa đào tạo và kinh doanh, bên cạnh tăng nguồn thu cho ngân sách còn mang lại những tác động tích cực lên người học, gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, cải tiến công nghệ”.

Tăng cường các nguồn thu dịch vụ, liên kết đào tạo gắn với sản xuất cũng là giải pháp mà nhiều trường CĐ-TC đã và đang triển khai, tuy nhiên không phải trường nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Tuyền (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải sử dụng 40% nguồn thu để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình nên gặp khó khăn trong các khoản chi đầu tư mua sắm trang thiết bị. Yêu cầu tiết kiệm lớn nguồn kinh phí trong khi ngân sách chỉ cấp vừa đủ đảm bảo chi, dẫn đến việc khó thực hiện mở rộng các hoạt động dịch vụ hoặc nâng mức lương cơ sở.

Bà Phạm Quang Trang Thủy cũng khẳng định, với khung học phí quy định, dựa trên những điều kiện tối thiểu đảm bảo hoạt động đào tạo, quỹ lương tăng… chỉ bù đắp được lạm phát để ổn định thu nhập thực tế. Kinh phí chi trực tiếp cho các hoạt động giảng dạy thay đổi không đáng kể và trong điều kiện hạn hẹp chỉ hỗ trợ một phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư cơ sở vật chất, mức thu học phí không đủ để bù suất chi đào tạo/một học sinh. “Nhìn tổng thể thì suất chi đào tạo tính trên đầu học sinh – sinh viên thấp. Do đó, toàn bộ nguồn thu phục vụ đào tạo, ngay cả khi áp dụng mức tối đa theo dự thảo khung học phí của Chính phủ cũng không thể đủ cân đối cho chi thường xuyên phục vụ đào tạo”, bà Thủy nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn) cũng thừa nhận nguồn thu dịch vụ gắn với đào tạo không thay đổi đáng kể nhưng đã phần nào giải quyết khó khăn hiện tại, so với khung học phí quy định.

Làm sao để nâng chất?

Do nguồn kinh phí hạn chế nên việc đầu tư trang thiết bị chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Điều đáng nói là các trường chưa đầu tư trọng tâm, trọng điểm theo các nghề đào tạo; chưa có nhiều công trình, dự án đầu tư lớn để nâng cao năng lực phục vụ cho yêu cầu phát triển của trường. Một khó khăn nữa, theo bà Phạm Quang Trang Thủy là các văn bản thực hiện xã hội hóa trong đào tạo chưa được hướng dẫn cụ thể nên không dễ trong việc huy động các nguồn lực xã hội.

Để đảm bảo kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, ông Nguyễn Thanh Tuyền đề xuất được chi đầu tư từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vốn vay và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên nếu có, đơn vị được tự cân đối, đảm bảo có tích lũy, đầu tư phát triển và bổ sung thu nhập nhằm nâng cao đời sống cho người lao động.

Đại diện Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đưa ra giải pháp: Để có kinh phí đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng đào tạo thì từ nay đến 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giá dịch vụ đào tạo nghề nghiệp sẽ được tính đủ chi phí dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật. Nhà trường được thu học phí trang trải chi phí, đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về đất đai cho việc xây dựng mở rộng cơ sở đối với các cơ sở đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Ông Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) kiến nghị: “Chúng tôi đã đề xuất Bộ LĐ-TB&XH tạo điều kiện cho trường vay vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình và các nguồn lực khác”.

Bài, ảnh: T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)