Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thiếu kỹ năng sống (Kỳ 1): Thói quen ỷ lại, thiếu định hướng

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít bạn trẻ thường tự hỏi: Tại sao mình chưa tìm được một công việc vừa ý với mức lương hấp dẫn mặc dù không thiếu kiến thức chuyên môn? Tại sao mình không biết cách thể hiện mình trước đám đông?...
Cách giáo dục của gia đình
Nhiều người nước ngoài tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy các bậc phụ huynh ở VN chăm lo cho con từng ly từng tý một. Qua 12 năm học phổ thông, đến thời điểm thi đại học (ĐH) là lúc mà nỗi lo lắng dâng cao nhất. Cho dù gia đình sống ở tỉnh hay thành phố lớn, các bậc cha mẹ đều luôn cố gắng mang hành lý đi theo, động viên tinh thần cho con thi ĐH và thấp thỏm ngóng trông trước cổng trường chờ đến hết giờ thi.
Tìm hiểu thông tin tuyển dụng – Ảnh: Cẩm Thúy
“Phải chăng do cách giáo dục của gia đình còn mang tính “bao cấp đến tận răng” khiến cho con cái muốn gì được nấy? Từ đó họ thiếu kỹ năng sống, không tự chủ trong công việc và luôn lệ thuộc vào bố mẹ?", TS Huỳnh Văn Thông, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đặt vấn đề.
Chị H.T.T.H, 43 tuổi, nhà ở Q.10 (TP.HCM) có một cậu con trai vừa đậu nguyện vọng 2 ĐH trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua. Ở kỳ thi này, hầu như chị không có thời gian dành cho bản thân mà túc trực mọi lúc mọi nơi để lo lắng cho con. Mặc dù đó là lòng thương yêu của một người làm mẹ dành cho con cái, nhưng điều đó cũng vô tình khiến cho đứa con mất đi sự tự chủ…
Một số người cho biết, với cách giáo dục trên, các bạn trẻ ngày nay đã trở nên thụ động, luôn sống lệ thuộc vào bố mẹ, không mạnh dạn trong giao tiếp, ứng xử và thiếu định hướng nghề nghiệp cho tương lai. 
Cần dạy kỹ năng sống từ bậc phổ thông
Có không ít sinh viên (SV) học theo ngành mà gia đình chọn, và trong quá trình học gặp nhiều khó khăn về chuyên môn lẫn tinh thần, dễ chán nản, bỏ học và làm việc không theo ý muốn sau khi tốt nghiệp. Trước thực trạng này, TS Huỳnh Văn Thông đề xuất nên đưa vào chương trình phổ thông những môn học thuộc về kỹ năng sống.
TS Thông cho biết, chương trình đào tạo ĐH hiện nay giống với chương trình phổ thông "cấp 4", khi mà tốt nghiệp THPT, SV vẫn chưa có đủ kiến thức để học tiếp lên ĐH. Đến khi các nhà doanh nghiệp tuyển dụng thì không đủ chuyên môn và kỹ năng để đáp ứng. Khi đó lại đổ lỗi cho giáo dục ĐH.
Nguyễn Mạnh Hùng, SV chuyên ngành Kinh tế học, khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tự nhận thấy mình và giới SV nói chung rất thiếu tính chủ động. Có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng trước đây, khi học phổ thông Hùng chưa biết, chẳng hạn như cách xưng hô, các cử chỉ trong giao tiếp, cách nhận danh thiếp, kỹ năng hoạch định… 
Đến trình độ ĐH là giai đoạn mà SV bắt đầu ứng dụng những kỹ năng đã học ở phổ thông như thuyết trình, báo cáo chứ không phải giảng viên làm nhiệm vụ hướng dẫn lại từ đầu, uốn nắn từng chút một, rất mất thời gian, không đủ thời gian đào tạo chuyên môn.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Lực, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp (TP.HCM) nhận định nên định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ khi học cấp 2, và hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết để họ tự lựa chọn ngành nghề học qua việc phân tích, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm tới và thông tin cụ thể của các trường ĐH.
Cẩm Thúy/TNO

Bình luận (0)