Em Nguyễn Đăng Khoa (học lớp 3/2 Trường TH Trần Nhân Tôn, huyện Bình Chánh) bị gãy tay do đi xe đạp bị ngã khi xuống dốc cao
|
Nếu trẻ được người lớn quan tâm, trang bị những kỹ năng phòng tránh tai nạn trong cuộc sống hàng ngày thì các ca tai nạn lẫn di chứng sẽ giảm thiểu rất nhiều.
Đủ kiểu tai nạn
Em Trần Gia Huy (học lớp 2/2, Trường TH Trần Quốc Toản, huyện Bình Chánh, TP.HCM) được gia đình đưa đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để điều trị vết thương ở bàn chân trái đến nay đã gần 1 tuần nhưng vẫn chưa được xuất viện về nhà. Nguyên nhân do vết thương khá nặng, lúc mới nhập viện, gót chân của Huy trong tình trạng lòi thịt, còn bàn chân bị dập nát. Sau khi được bác sĩ cấp cứu, cắt lọc thịt dập nát và khâu vá, Huy đã dần lấy lại sức khỏe nhưng em phải ở lại ít nhất 1 tuần để các bác sĩ theo dõi vết thương. Chị Nguyễn Thị Thu Hà – mẹ Huy – cho biết: “Nhà xa nên tôi dùng xe máy đưa đón con đến trường mỗi ngày. Tai nạn xảy ra trong lúc xe đang chạy, cháu nhướn người về phía trước, mất thăng bằng khiến bàn chân trái đút vào bánh xe. May mà xe chạy chậm nên chân chỉ bị dập thịt, còn gân và xương không bị ảnh hưởng nhiều”.
Tương tự, em Hoàng Gia Hưng (15 tuổi, quê Vĩnh Long) được gia đình đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (cùng ngày với Huy – PV) trong tình trạng 4 ngón tay phải dập nát do bị máy xay thịt nghiến. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ không thể cứu vãn được đành phải cắt bỏ 4 ngón tay của em. Nhìn bàn tay thiếu mất ngón, Hưng không giấu được nỗi buồn trên gương mặt. Anh Trần Văn Đạt – ba Hưng – kể: “Sau khi xay thịt xong, cháu ngắt điện rồi mang máy xay ra sau nhà rửa mà không biết rằng máy còn trớn nên vẫn quay. Cháu vừa đút tay vào rửa, máy đã nghiến nát các ngón tay. Giờ tay phải thiếu ngón, cháu có thể tập cầm bút, cầm nắm mọi thứ bằng tay trái. Nhưng điều tôi sợ nhất là cháu sẽ mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh”.
Ngoài hai trường hợp trên, có không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng bị gãy tay, chân, vật nhọn đâm vào người… Chị Đặng Thị Tuyết Nga, điều dưỡng trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM), cho biết trung bình một ngày có 5 ca nhập viện với nhiều trường hợp tai nạn khác nhau. Cách đây không lâu, một người mẹ vừa xay cá vừa nấu ăn, vừa giữ con nhỏ để rồi lúc bận bịu nấu nướng không để ý đến con, đứa bé đút nguyên cái tay vào máy xay cá. Kết quả các ngón tay của bé dập hết. Trường hợp khác đứa trẻ đút tay vào máy giặt lúc máy đang hoạt động và bị quần áo cuốn gãy ngón tay. Hoặc trường hợp một trẻ ngã vào máy xay cám phải cắt bỏ hai chân… Chị Đặng Thị Tuyết Nga cho biết thêm, có một số trẻ bị thương khi dắt xe máy để xe đổ đè lên người khiến gãy tay; trẻ kéo rèm cửa khiến ti vi rơi trúng đầu hay nghịch dây điện rồi bị dây cuốn cắt đứt gân tay…
Cha mẹ cẩn thận, con cái an toàn
Chị Nguyễn Thị Thu Hà đang chăm sóc con – em Trần Gia Huy
|
Theo bác sĩ Phan Văn Tiếp, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM), ba môi trường khiến trẻ thường gặp tai nạn là tập thể thao, sinh hoạt hàng ngày tại gia đình, nhà trường và tham gia giao thông. Nguyên nhân là do trẻ hiếu động, thích chạy nhảy, đùa giỡn nhưng lại chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của các vật dụng, môi trường xung quanh nên khó tránh tai nạn. Tuy nhiên, nguyên nhân do sự bất cẩn của người lớn trong những môi trường này không thể không nhắc đến. Cụ thể, ở trường lớp, học sinh đông, hiếu động, nhà trường đôi lúc không quản hết và thiếu nhắc nhở các em cần tránh xô đẩy, đùa giỡn quá mức hoặc do sân chơi thiếu an toàn. Ở gia đình, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như dao, kéo để không đúng nơi đúng chỗ, trẻ dễ dàng lấy ra chơi nghịch. Các loại máy móc như quạt, máy giặt, máy xay… đang hoạt động nhưng phụ huynh quên nhắc nhở trẻ phải tránh xa, không nên chơi, nghịch. Ngoài ra, khi tham gia giao thông, cha mẹ chở theo con nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chỉ tính riêng tháng 11 vừa qua có đến hơn 200 ca trẻ điều trị các dạng tai nạn như trên được xuất viện.
|
Để giảm thiểu tai nạn cho trẻ, bác sĩ Phan Văn Tiếp khuyên: Người lớn cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn trong cuộc sống. Cần nhắc nhở trẻ không nên chạy nhảy quá mức, tránh xô đẩy khi chơi đùa. Giải thích cho trẻ hiểu và tránh những vật dụng, trò chơi nguy hiểm, hướng đến các trò chơi an toàn, khi tham gia làm việc phụ gia đình cần phải cẩn thận. Việc trang bị những kiến thức, kỹ năng này sẽ giúp trẻ có ý thức, cẩn thận khi chơi đùa, làm việc. Riêng người lớn cũng cần cẩn thận, gọn gàng trong mọi công việc. Vật dụng sinh hoạt phải ngăn nắp, để xa tầm tay trẻ những vật nguy hiểm. Khi cho trẻ tham gia giao thông, nên xem độ tuổi nào thì để trẻ tự ngồi sau xe mà không cần người giữ, độ tuổi nào cần phải có người giữ…
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Điều trị đúng vết thương và đúng cách
Bác sĩ Phan Văn Tiếp lưu ý: Nếu trẻ chẳng may gặp tai nạn ở bất kỳ trường hợp nào, người lớn nên nhanh chóng đưa trẻ đến chuyên khoa nhi để điều trị đúng vết thương, đúng cách nhằm giảm tổn thương, hạn chế biến chứng. Đã có những trường hợp trẻ bị tai nạn gãy chân, cha mẹ đưa đi điều trị và vết thương có khỏi nhưng sau đó xương chân bị gãy không còn khả năng phát triển. Nguyên nhân là khi chân gãy, sụn bị tổn thương nhưng việc điều trị lại không tới nơi tới chốn khiến sụn dừng phát triển, kéo theo xương cũng không thể phát triển. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa có can thiệp cũng khó hồi phục. Một điều mà phụ huynh tuyệt đối tránh là không tự ý tìm thầy lang để bó lá. Việc bó lá có thể xương lành lại nhưng không được thẳng như ban đầu, dẫn đến tay chân bị cong. Hoặc vết thương bị viêm, nhiễm do lá bó gây ra.
|
Bình luận (0)