Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thiếu nghiêm trọng sư phạm nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là khẳng định của chuyên gia về thị trường lao động trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Trần Hữu Trang (TP.HCM) vừa qua. Chương trình có sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).

ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cung cấp thông tin ngành nghề cho học sinh

Trao đổi với các em học sinh trong trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết giai đoạn 2018-2025, TP.HCM cần 300.000 chỗ làm. Theo đó, các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động như: Công nghệ kỹ thuật, chiếm 35% (cơ khí, điện tử, CNTT, hóa nhuộm, chế biến tinh lương thực thực phẩm); luật kinh tế; khoa học tự nhiên – khoa học xã hội – du lịch; sư phạm – quản lý giáo dục; y dược; nghệ thuật – thể dục thể thao; nông lâm. Đó là nhân lực cho thị trường trong nước, riêng lao động xuất khẩu thiếu ở nhóm ngành nghề công nghệ kỹ thuật, y dược (điều dưỡng)…

Đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM trả lời thắc mắc của học sinh liên quan đến tiếng Anh chuyên ngành

Đề cập đến xu hướng ngành nghề và cơ hội việc làm trong những năm tới, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, bất cứ ngành nghề nào sinh viên ra trường cũng có thể thất nghiệp nếu không có khả năng, thái độ học tập và rèn luyện tốt. Cùng quan điểm, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) chia sẻ, không có trường nào cam kết sinh viên ra trường có việc làm, kể cả các trường ĐH lớn trên thế giới. Có việc làm hay không tùy thuộc lớn vào bản thân của mỗi người. “Trong thời gian học tập, nhà trường cung cấp cho sinh viên cái nền, việc xây gì trên nền đó tùy thuộc vào khả năng của người học. Theo đó, người có ý thức học tập tốt thì xây được nhà, người không ý thức học tốt thì chỉ dựng được cái lều”, ThS. Phùng Quán nói. Trong khi đó, ThS. Nguyễn Ngọc Duy (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, sinh viên học giỏi ở bậc ĐH chưa chắc ra đời làm việc giỏi. “Không có nghề nào hot, chỉ có con người hot trong công việc đó”, ThS. Nguyễn Ngọc Duy nói.

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang đặt câu hỏi với Ban tư vấn

Trả lời thắc mắc của nhiều học sinh về ngành thương mại điện tử, ông Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, đây là ngành sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong vài năm tới và lao động cho ngành này hiện có nhưng khả năng cạnh tranh thấp. Ông dẫn chứng, hiện nay các trang web mua bán hàng online là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, hệ thống phát triển trên toàn cầu. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn về quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, quản trị nhân sự, kỹ năng bán hàng…, người học cần trang bị vốn tiếng Anh chuyên ngành thương mại là một lợi thế khi tìm việc. “Có một công việc tốt, mức lương cao tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Ngay từ năm 2, sinh viên cần tạo quỹ thời gian để tham gia các khóa kỹ năng mềm, học tập thực tế tại doanh nghiệp để dần khẳng định mình”, ông Đỗ Hữu Nguyên Lộc khuyên.

Tại chương trình, một số học sinh cũng quan tâm tìm hiểu kỹ về ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm tiểu học và ngành tâm lý học. Với ngành sư phạm tiểu học, ThS. Nguyễn Ngọc Duy lưu ý học sinh nên cân nhắc kỹ trước khi đăng ký bởi chỉ thích thôi là chưa đủ mà cần phải có tình yêu trẻ và khả năng chịu áp lực công việc. Riêng ngành tâm lý học, có các chuyên ngành hẹp như tâm lý giáo dục, tham vấn trị liệu, tâm lý dân sự, tâm lý kinh doanh… Cũng liên quan đến nguồn nhân lực ngành sư phạm, bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh cho biết, sư phạm nghề hiện đang thiếu nhân lực và dự báo vài năm tới sẽ thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là sư phạm nghề kỹ thuật công nghệ cao.

T.Anh

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)