Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thiếu nguồn lực vì thiếu đầu tư, thu hút nhân tài

Tạp Chí Giáo Dục

Môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài của ĐBSCL, chậm cải thiện, chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ giữa các địa phương

“Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 85.000 cơ sở sản xuất, khu công nghiệp (KCN) thu hút 300.000 lao động làm việc. Một số KCN lớn như Trà Nóc (Cần Thơ), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long An (Long An) và nhiều KCN ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động, cần số lượng lao động qua đào tạo, có tay nghề rất lớn. Tuy nhiên, toàn vùng chỉ giải quyết được việc làm cho khoảng 170.000 người”. Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang- Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn  Hợp tác kinh tế ĐBSCL, cho biết như vậy tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời hội nhập” vừa tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua.


Giới trẻ muốn được trở về phụng sự vùng ĐBSCL nhưng lo ngại không được tạo điều kiện thuận lợi. Trong ảnh: Sinh viên Lê Minh Thuận (Khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia) phát biểu tại hội thảo

Thiếu lao động ở mọi trình độ
Ông Thạnh nhìn nhận việc thiếu hụt lao động trực tiếp sản xuất có tay nghề không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh mà còn khiến nền kinh tế khu vực ĐBSCL chậm phát triển. Phần lớn lao động tại địa phương thiếu cả tay nghề lẫn văn hóa nghề.
Theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của ĐBSCL mới đạt 20,8% (bình quân cả nước là 25%) và có sự chênh lệch giữa các tỉnh. Chẳng hạn, tại Cần Thơ, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 35,2% trong khi Bến Tre chỉ 11,4%; Hậu Giang 13,1%… Quy mô dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề chỉ chiếm 10,3% (cả nước là 18%).
Nhiều đại biểu cho rằng hầu hết nông dân có được kiến thức, kỹ năng sản xuất thông qua kinh nghiệm là chính. Kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chậm đổi mới nên giá trị sản phẩm hàng hóa thấp do chưa coi trọng đào tạo nhân lực trực tiếp sản xuất, coi dạy nghề chỉ là giải pháp tình thế. Ngoài ra, thông tin thị trường lao động và việc làm chưa đầy đủ, kịp thời nên người lao động còn lúng túng trong việc lựa chọn nghề, việc làm sau khi học nghề.
Chưa thu hút nhân tài
Bên cạnh sự bất cập trong đào tạo, dạy nghề, việc thu hút nguồn nhân lực có chất xám trở về địa phương làm việc chưa được chú trọng. Tiến sĩ Bùi Thị Thanh (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) nhận định: “Môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài của ĐBSCL, chậm cải thiện, chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ giữa các địa phương nên không tạo ra các điều kiện cần thiết kích thích phát triển và thu hút nguồn nhân lực. Điều đó dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám sang các vùng khác như TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ…”.

Đồng quan điểm này, tại buổi giao lưu với chính quyền và doanh nghiệp 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều sinh viên đã trăn trở với việc trở về phục vụ quê hương. Sinh viên Lê Văn Bảo (Khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia TPHCM) nói: “Chúng tôi mong muốn về quê nhà nhưng kinh nghiệm của các anh chị đi trước cho thấy sau khi trở về, họ không được tạo điều kiện để mang những gì đã học ra đóng góp cho quê hương. Điều chúng tôi cần là một môi trường làm việc năng động, sẵn sàng đón nhận cái mới và cùng giúp đỡ nhau phát triển chứ không phải là sự ganh ghét, bảo thủ, trì trệ”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề:

Cần nâng cao ý thức học nghề
Để nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL lên 38% vào năm 2010 và 65% vào năm 2020, việc đầu tư cho giáo dục, dạy nghề cần được chú trọng. Cần tăng tỉ lệ đầu tư cho GD-ĐT, dạy nghề; trong đó ưu tiên cho dạy nghề khoảng 10% đến 12% trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT. Song song đó, phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm; chú trọng phát triển cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn và thành lập thêm 4 trường trung cấp nghề, trong đó có ít nhất một trường của người dân tộc.
Giáo sư – tiến sĩ Võ Tòng Xuân:

Nên ưu tiên tuyển người đã qua học nghề
Để khuyến khích người dân không ngừng học tập, nâng cao tay nghề, khi tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp nên ưu tiên tuyển những người đã qua đào tạo nghề. Làm như thế mới khuyến khích những người không chịu đi học thay đổi nhận thức, đầu tư cho việc học. Ngoài ra, các trường khi đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu thị trường, để lao động sau khi đào tạo có việc làm phù hợp, tránh lãng phí cho xã hội.

H.N ghi

Huỳnh Nga (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)