Y tế - Văn hóaThư giãn

Thiếu “nhạc trưởng”quản lý di sản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Việt Nam có may mắn sở hữu 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do UNESCO chứng nhận. Đó là nguồn tài nguyên vật chất, cung cấp các sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch, văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thế nhưng, thế mạnh ấy không những chưa được khai thác, phát huy đúng tầm mà một số còn đang rơi vào tình trạng báo động vì thiếu một “nhạc trưởng” tài ba.
Vừa qua, Bộ VH-TT-DL cùng đại diện sở VH-TT-DL các tỉnh, TP, Ban Quản lý các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã lần đầu tiên cùng ngồi lại để nhìn nhận thực trạng và chia sẻ những vướng mắc, bất cập trong việc quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Một thực tế dễ nhận thấy là hầu hết các di sản đã có quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị, được quan tâm tu bổ, bảo quản, chống xuống cấp, giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên… Song, quy chế quản lý, bảo tồn còn thiếu và chưa đồng bộ. Bộ máy quản lý các di sản hiện nay rất khác nhau, việc phân cấp, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc các di sản thế giới.
Phân tích điều này, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Bộ VH-TT-DL cho biết, trong khi Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế là đơn vị cấp sở, trực thuộc sự quản lý của UBND cấp tỉnh thì Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ lại là một đơn vị trực thuộc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa; Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn lại là các cơ quan chức năng trực thuộc huyện, TP của tỉnh. Sự không đồng bộ này cũng dẫn tới năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch gắn với từng khu di sản chưa thể hiện được nét đặc thù…
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng ban Quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cũng chia sẻ rằng, việc quản lý di sản này hiện nay chủ nhà lại không có cơ chế, chức năng xử lý những vi phạm xảy ra trong chính ngôi nhà của mình. Việc phân quyền quản lý cho ban quản lý khu di sản thiên nhiên rất hạn chế. Việc xử lý các vi phạm xảy ra rất mất thời gian và khó triệt để. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến Vịnh Hạ Long hiện đang phải vật lộn để thoát khỏi “danh sách đen” – danh sách các di sản mà UNESCO khuyến nghị về bảo tồn.
Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt một di sản văn hóa đòi hỏi phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính nhà nước nhất định, toàn diện và trực tiếp, đủ sức làm “nhạc trưởng” để gắn kết được “nhà quản lý”, “nhà khoa học” và “nhà dân”.
Hơn nữa, mọi chủ trương, chính sách, định hướng phát triển phải làm rõ được trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đồng thời phải gắn chặt với ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng, các tổ chức chính trị – xã hội, từng người dân; đặc biệt, phải được thể hiện một cách cụ thể, công khai, dân chủ, công bằng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.
Đúng như ông Nguyễn Chí Trung, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã nhận định, sự sai lầm, mất mát về kinh tế có thể làm lại, nhưng về di sản văn hóa, thiên nhiên thì khó có thể phục hồi lại được.
Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)