Bãi đỗ xe tự động, thác nước xanh, hệ mặt trời… là những mô hình do các em thiếu nhi tại TP.HCM thực hiện. Các mô hình trên được làm từ những vật liệu đơn giản, không tốn quá nhiều chi phí nhưng thể hiện sự sáng tạo, thông minh, mong muốn đóng góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại.
Mô hình “Hệ mặt trời” do các em thiếu nhi đến từ Câu lạc bộ Thiên văn (Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn) thực hiện
Bãi đỗ xe tiết kiệm không gian
Trước thực trạng thiếu chỗ giữ xe ô tô như hiện nay, một phương án đặt ra là xây dựng và lắp đặt các bãi đỗ xe thông minh để tiết kiệm diện tích trong tình trạng quỹ đất hạn hẹp, các em thiếu nhi đến từ Câu lạc bộ Ong sáng tạo thuộc Nhà Thiếu nhi TP.Thủ Đức đã thực hiện mô hình “Bãi đỗ xe tự động” với hy vọng giải quyết được vấn đề trên.
Bãi đỗ xe này được thiết kế nhiều tầng, nhiều lớp và hoạt động với mức độ tự động hóa cao. Khi gửi xe, người dùng chỉ cần lái xe đến vị trí đỗ không cần một thao tác nào thêm ngoài việc nhấn nút gửi xe (hoặc nhận thẻ từ hệ thống). Và khi cần lấy xe ra, người dùng chỉ cần nhấn nút lấy xe (đặt lịch hẹn với hệ thống), xe sẽ tự động được đưa đến điểm trả cố định. Anh Phan Thanh Giàu (Trưởng khoa Sáng tạo, Nhà Thiếu nhi TP.Thủ Đức) cho biết mô hình “Bãi đỗ xe tự động” hoàn toàn do các em thiếu nhi sáng tạo, thực hiện. Theo đó, mô hình này giúp ích rất nhiều cho tình hình thiếu bãi đỗ xe trên địa bàn TP.HCM hiện nay, tận dụng tối đa các khoảng không gian cho phép tăng số xe lên 4 lần so với bãi đỗ hiện tại. Không chỉ tiện ích, bãi đỗ xe này còn góp phần bảo vệ môi trường khi tiết kiệm tối đa lượng khí thải từ xe ô tô ra bên ngoài thông qua việc được đáp ứng bãi đỗ gọn gàng, không cần phải di chuyển nhiều đến các bãi đỗ ở xa. Điều đặc biệt là bãi đỗ xe thông minh còn bảo vệ tối đa tài sản cho chủ bởi xe nằm trong lòng bảo vệ và được đưa lên cao, tăng vai trò quản lý một cách tối ưu về thông tin cũng như góp phần làm đẹp cho cảnh quan đô thị. “Với những thuật toán được viết ra, hệ thống hoàn toàn khả thi so với mô hình thực tế. Do đó, khi áp dụng vào mô hình thật, chúng ta cũng dựa vào đó mà thiết lập cho phù hợp”, anh Giàu chia sẻ.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Năm học vừa qua, Nhà Thiếu nhi Q.8 phát động Hội thi thiết kế sản phẩm từ các vật liệu tái chế, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường trong các trường tiểu học và THCS. Từ hội thi, Nhà Thiếu nhi quận đã chọn ra nhiều mô hình thiết thực mang tính khả thi cao, trong đó có mô hình “Thác nước xanh” của các em học sinh đến từ Trường THCS Chánh Hưng.
Chị Đinh Ngọc Vân (cán bộ Nhà Thiếu nhi Q.8) cho biết các em học sinh tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng như thùng xốp, chai nước suối, ống nhựa, giấy báo, cát biển, màu vẽ… để tạo ra mô hình “Thác nước xanh”. Theo đó, mô hình hoạt động dựa trên nguyên lý hút đẩy của máy bơm nước. Các em đục lỗ thoát nước trên những chai nhựa, gắn ống dẫn vào trong lòng chai và nối với máy bơm nước. Khi cắm điện, nước được máy bơm hút vào và đẩy đến những chai nhựa, sau đó nước sẽ tràn từ tầng cao xuống tầng thấp, tiếp tục được máy bơm hút và đẩy lên tạo thành một chu trình tuần hoàn liên tục. Chị Vân cho biết thêm, khó khăn khi thực hiện mô hình “Thác nước xanh” là học sinh chưa nắm rõ tính vận hành của hệ thống máy bơm nước nên trong quá trình thực hiện, các em cần có giáo viên bộ môn vật lý hỗ trợ mới hoàn thành mô hình.
Hệ thống “Bãi đỗ xe tự động” do các em thiếu nhi đến từ Câu lạc bộ Ong sáng tạo (Nhà Thiếu nhi TP.Thủ Đức) thực hiện
Thầy Phạm Quốc Vương (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Chánh Hưng – giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện mô hình) khẳng định: Mô hình “Thác nước xanh” được thực hiện khá đơn giản, có thể dùng làm vật trang trí trong nhà hoặc ngoài sân. Thông qua mô hình, các em có ý thức hơn trong việc tận dụng rác thải có khả năng tái chế để bảo vệ môi trường sống. “Rác sẽ vẫn là rác nếu chúng ta nhìn nhận chúng như những thứ không có giá trị và loại bỏ. Nhưng nếu chúng ta biết tận dụng, tái chế và biến chúng thành những sản phẩm có ích thì môi trường sẽ bớt đi một phần gánh nặng về chất thải. Việc tái chế rác rất dễ dàng, chúng ta có thể thực hiện ngay tại nhà qua trí tưởng tượng, tài khéo léo của mình”, thầy Vương cho biết.
Tương tự, mô hình “Hệ mặt trời” do các em thiếu nhi trong Câu lạc bộ Thiên văn thuộc Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn thực hiện, dưới sự hướng dẫn của anh Võ Thanh Hải (Trưởng khoa Sáng tạo – kỹ thuật, Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn) cũng mang lại nhiều giá trị thiết thực cho học sinh. Anh Hải cho biết hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm được ứng dụng trong học tập, tuy nhiên đa số đều sản xuất từ các thiết bị công nghiệp càng tạo ra thêm nhiều rác thải, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trước thực trạng đó, anh đã hướng dẫn các em thiếu nhi trong Câu lạc bộ Thiên văn tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng để thực hiện mô hình “Hệ mặt trời”. “Mô hình này dùng để ứng dụng trong học tập và nghiên cứu thiên văn, thân thiện với môi trường mà không tốn nhiều chi phí. Thông qua mô hình, các thành viên trong Câu lạc bộ Thiên văn muốn truyền tải thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất như hạn chế sử dụng túi nhựa, chất khó phân hủy trong môi trường, thay vào đó sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên”, anh Hải cho hay.
Hiện nay, các nhà thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM không chỉ là nơi vui chơi, rèn luyện thể chất, kỹ năng cho thiếu nhi mà còn hướng dẫn các em nghiên cứu sáng tạo để tạo ra sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Đây là điều cần thiết vì hoạt động nghiên cứu sáng tạo không chỉ giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống mà còn hình thành ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)