Dù chưa có chồng, những nữ tình nguyện viên của Trung tâm phòng chống AIDS Hà Nội vẫn rất vui vẻ hướng dẫn nam sinh viên sử dụng bao cao su (BCS) đúng cách.
"Bỏ BCS trong ví không có nghĩa là hư hỏng, mà chứng tỏ bạn là người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội". Đó là lời mà những nữ tình nguyện viên của Trung tâm phòng chống AIDS Hà Nội thường nói với người tiếp cận. Các cô gái chia sẻ, dù chưa chồng nhưng họ vẫn thường mang trong mình ít nhất một BCS.
Là tình nguyện viên của dự án phòng chống HIV, Hồng Giang, sinh viên năm cuối ĐH Công nghiệp Hà Nội, cũng như các cô gái trong nhóm phải tiếp xúc với BCS và học cách sử dụng chúng đúng cách. Cô cho biết, lúc đầu cũng đỏ mặt vì phải cầm trên tay chiếc BCS, nhưng khi nghe tập huấn viên nói về tác dụng của nó trong việc phòng tránh căn bệnh thế kỷ thì dần thay đổi thái độ.
"Hiện nay số người nhiễm HIV bằng con đường quan hệ tình dục không an toàn chiếm đa số. Các bạn đừng tưởng cứ sử dụng bao là sẽ không mắc bệnh nhé. Phải sử dụng thường xuyên, ngay từ đầu và đúng cách thì bao mới có tác dụng 99% tránh thai và khoảng 80% các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS", Giang chia sẻ.
Một nữ tình nguyện viên trao đổi kiến thức dự phòng HIV với nam sinh viên. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Giang kể đã gặp rất nhiều trường hợp đau lòng liên quan đến nhiễm HIV vì thiếu hiểu biết, trong đó câu chuyện về chàng trai từng là sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội làm nhóm tình nguyện phải day dứt mãi. Khi đang học năm cuối, anh theo bạn bè tìm "của lạ" rồi mắc bệnh từ khi nào không biết. Sức khỏe yếu dần, anh phải vào bệnh viện điều trị một tháng nhưng vẫn không phát hiện bệnh gì.
Không theo kịp bạn bè vì nghỉ quá lâu, anh bỏ học về quê, cưới vợ rồi sinh con. Đến khi con gái đầu lòng 5 tuổi, con gái thứ hai 3 tuổi thì vợ anh bệnh nặng. Bệnh viện báo tin chị nhiễm HIV giai đoạn cuối khiến anh sững sờ. 3 bố con được làm xét nghiệm. Kết quả anh đã nhiễm HIV từ thời sinh viên, và chính anh đã truyền HIV cho vợ con.
"Anh ấy đã sử dụng bao cao su mỗi lần đi tìm gái mại dâm cùng bạn bè, tuy nhiên do không biết sử dụng nên một vài lần bao bị bục rách khiến anh nhiễm HIV. Nhưng HIV thì không có biểu hiện cụ thể trong thời gian đầu nên thậm chí bị nhiễm đến cả chục năm mà không xét nghiệm máu thì không thể nào biết được", Giang cho hay.
Hằng ngày công việc của những nữ tình nguyện viên là tiếp cận, truyền thông cho nam sinh viên về dự phòng HIV/AIDS. "Bọn mình sẽ trò chuyện trực tiếp với các nam sinh, cung cấp cho họ một số kiến thức căn bản về dự phòng HIV, từ đó phát hiện nguy cơ để giúp họ phòng tránh. Món quà cho mỗi bạn sẽ là một chiếc bao cao su và thuyết phục bạn ấy cho vào ví của mình", Nguyễn Thị Vân, cựu sinh viên của một trường cao đẳng y cho biết.
Bỏ bao cao su trong ví chứng tỏ bạn có trách nhiệm với bản thận, gia đình và xã hội. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Theo nhóm nữ tình nguyện viên này, hiện nay rất nhiều nam sinh viên đang thờ ơ với sức khỏe của mình. Họ có thể vì uống say không làm chủ được bản thân, bị rủ rê hay vì tò mò mà tìm đến với gái mại dâm, nhưng rất ít người biết sử dụng bao cao su như thế nào là đúng cách. Và lúc ấy, chính những nữ tình nguyện viên sẽ hướng dẫn cho họ.
"Nhiều lúc cũng ngại vì bị các bạn trêu chọc, hay vô tình một người lớn nào đó nhìn thấy bao cao su có trong túi mình, nhưng ai cũng có công việc riêng, và mình tự hào vì việc mình làm có ích cho cuộc sống", Mai Phương, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương cho biết.
Do đặc thù công việc thường diễn ra vào các buổi chiều tối, khi sinh viên rảnh rỗi nên những tình nguyện viên gặp không ít khó khăn. Hương Giang chia sẻ, có hôm hẹn với bạn trai đi chơi, nhưng do gặp một nam sinh viên đang có nguy cơ, ngồi chia sẻ với bạn ấy quá lâu mà quên béng giờ hẹn. Đến lúc sực nhớ thì đã quá mất một giờ, vậy là bị bạn trai giận cho mấy ngày.
Còn Vân thì tệ hơn. Khi đi làm về sát giờ hẹn hội bạn cũ nên lao ngay đến điểm hẹn. Đến khi lôi ví ra trả tiền thì một chiếc bao cao su trong túi theo đó rơi ra. Đám bạn tròn xoe mắt nhìn Vân và người xưa nay "thương thầm nhớ trộm" cô không nói câu nào bỏ đi. Đương nhiên là Vân phải khéo léo giải thích cho các bạn hiểu công việc của cô ngay sau đó.
"Nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều sự cố. Mặc dù vậy bọn mình vẫn yêu công việc hiện tại. Nó giúp bọn mình có thêm nhiều bạn và cùng giúp nhiều người tránh nguy cơ nhiễm HIV", Mai Phương cười nói.
Hoàng Thùy (VnExpress)
Bình luận (0)