Cần khuyến khích giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng bên cạnh đó luật cũng phải quy định rõ ràng để có thể kiểm soát được chất lượng.
Đào tạo thạc sĩ ngoài quy định
Tháng 3.2011, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường ĐH đầu tiên được Bộ GD-ĐT thí điểm giao quyền tự chủ trong một số nội dung về hoạt động đào tạo. Trước đó, trường này cũng được Bộ cho phép triển khai thí điểm Đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giai đoạn 2009 – 2015. Theo mô hình này, ở trình độ thạc sĩ, ngoài thạc sĩ nghiên cứu, trường được thí điểm đào tạo thạc sĩ nghề nghiệp (gồm thạc sĩ kỹ thuật và quản trị kinh doanh). Người học sẽ chỉ học là chính, không có hoặc có luận văn/đồ án tốt nghiệp. Đặc biệt, chương trình này cho phép học viên theo hình thức không tập trung liên tục – có thể học tập trung theo từng đợt tại trường hoặc ở cơ sở đào tạo ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, việc đào tạo này lại mâu thuẫn với các quy định hiện hành của Bộ. Quy chế hiện hành chỉ cho phép đào tạo thạc sĩ tại cơ sở đào tạo, nơi đã được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép. Thực tế, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho phép thực hiện đào tạo thạc sĩ ở ngoài cơ sở và cả những nơi không có chức năng dạy bậc học này. Năm 2011, trường này đã phối hợp với Trường CĐ nghề Dầu khí tuyển sinh cao học tại Vũng Tàu với đối tượng là cán bộ, công nhân viên trong ngành dầu khí. Việc giảng dạy cũng được tổ chức ở Trường CĐ nghề Dầu khí, một cơ sở chỉ được dạy nghề chứ không được phép đào tạo sau ĐH. Việc này còn vượt qua cả quy định về liên kết đào tạo của Bộ vì trường ĐH không được phép liên kết với trường nghề để đào tạo ĐH, CĐ.
Lý giải về việc đào tạo mô hình thạc sĩ nêu trên, ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Trường không làm trái với quy chế vì quy chế của Bộ quy định đối với đào tạo thạc sĩ khoa học, còn chúng tôi đào tạo thạc sĩ kỹ thuật. Chương trình này dành cho những người vừa đi học vừa đi làm nên phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ”.
Luật chưa theo kịp thực tế ?
Ông Giảng cũng cho rằng mô hình đào tạo thạc sĩ nghề nghiệp của trường không có gì mới mà chỉ là áp dụng của thế giới. Trả lời về giá trị sử dụng và tính liên thông của bằng này, ông Giảng nói: “Những người học chương trình thạc sĩ nghề nghiệp muốn làm tiến sĩ ở trường chúng tôi thì phải bổ sung kiến thức. Còn nếu học viên đăng ký ở trường khác thì tùy theo yêu cầu của từng trường”.
Vấn đề đặt ra ở đây là luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH chỉ quy định một loại hình đào tạo thạc sĩ khoa học (phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp và luận văn chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình) và chỉ có mẫu văn bằng thạc sĩ duy nhất. Do vậy, rất khó để kiểm soát việc sử dụng liên thông của tấm bằng thạc sĩ nghề nghiệp như ông Giảng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GDĐH, cho biết: “Trong tuần này Bộ sẽ trả lời chính thức về việc đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội”. Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ GDĐH, cho rằng: “Mô hình thạc sĩ nghề nghiệp khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên ở VN, hiện nhà quản lý chỉ quy định một loại hình là thạc sĩ nghiên cứu thôi”. Ông Khuyến nhận xét: “Việc quy định bậc thạc sĩ chỉ có nghiên cứu là không phù hợp với các mô hình đào tạo của thế giới. Tuy nhiên, việc để các trường tự chủ khi không có hành lang pháp lý đầy đủ thì sẽ không giám sát được và sẽ dẫn đến nguy cơ khó đảm bảo chất lượng”.
theo TNO
Bình luận (0)