Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thiếu sân chơi, thừa nhà thiếu nhi

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc của NTN TP

Theo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam (giai đoạn 2001-2010), đến năm 2010 có 100% số quận, huyện tổ chức và quản lý được cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Thật đáng mừng là đến thời điểm này, trên địa bàn TP.HCM đã có 23 nhà thiếu nhi (NTN). Ngoài ra, 2 huyện Hóc Môn và quận Tân Phú cũng đang xúc tiến xây dựng NTN.
Nhà thiếu nhi thì nhiều nhưng trẻ em vẫn thiếu chỗ chơi. Theo đó, sáng 5-8, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với NTN TP về: “Công tác đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em”…
NTN… biến thành nhà hàng tiệc cưới
Ông Phạm Ngọc Tuyền – Giám đốc NTN TP cho biết: “Qua khảo sát nhu cầu của thiếu nhi có 36% trẻ trả lời thích đến NTN vì có nhiều hoạt động vui chơi; 27,6% em thích đến NTN vì có nhiều hoạt động bổ ích. Đối với phụ huynh, 56,9% đưa con đến NTN để học tập và sinh hoạt theo sở thích, 40,7% đưa con đến NTN để con được vui chơi sau giờ học căng thẳng, 36,1% để trẻ rèn luyện trong môi trường tốt. Điều này cho thấy hoạt động NTN là một nhu cầu có thực, các em đến NTN là để được học tập, vui chơi, phát triển năng khiếu và tham gia các hoạt động lễ hội…”.
Nhu cầu của trẻ thì lớn nhưng các NTN chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Theo giải thích của ông Ngọc Tuyền thì do cơ sở vật chất của một số NTN xuống cấp, nhỏ hẹp. Chẳng hạn như NTN Bình Chánh đang ở chung với Trung tâm Thể dục Thể thao huyện và chỉ có 2 phòng (1 phòng làm văn phòng, 1 phòng làm kho). Hay như NTN Q.11 xây dựng từ năm 1992 đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa do có chủ trương quy hoạch ở vị trí khác, NTN Q.4 chỉ là những căn nhà cấp 4, NTN Q.1 cơ sở vật chất cũng xuống cấp. Thậm chí ngay cả NTN TP (xây dựng từ trước năm 1975) cũng bị xuống cấp trầm trọng, trong đó có một tòa nhà 2 tầng nằm tại số 2 Tú Xương bị nứt, lún…
Song, theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP thì: “Đến một số NTN thấy thiếu sân chơi cho trẻ nhưng NTN lại dùng làm bãi giữ xe hơi. Đặc biệt, rất nhiều NTN cho thuê mặt bằng làm nhà hàng tiệc cưới, cho thuê làm trung tâm luyện thi đại học. Còn NTN Q.Thủ Đức thì cho thuê mấy trăm mét vuông để bày bán gốm sứ…”.
Cũng có không ít NTN được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhưng xây xong thì để đó. Điển hình như NTN huyện Củ Chi, dù cơ sở rất khang trang nhưng cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. “Mới 3 giờ chiều mà đi từ đằng trước ra đằng sau không thấy bóng một trẻ em nào”, đại diện Sở Thông tin & Truyền thông TP cho biết.
NTN đóng cửa, trẻ đến với game online
Không chỉ cho thuê mặt bằng khiến trẻ em và phụ huynh ngại đến NTN, nhiều NTN còn hoạt động theo giờ hành chính. “Trẻ đi học, NTN hoạt động, đến khi trẻ tan trường cần có chỗ chơi thì NTN lại đóng cửa”, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP cho biết.
“Không có chỗ chơi nên trẻ tìm đến với game online”, bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP khẳng định.
Hiện nay cả thành phố đang hô hào chống game online, bởi tác hại của nó vô cùng nguy hiểm. Hàng ngàn, hàng vạn học sinh, sinh viên đã phải bỏ học, thậm chí vào tù chỉ vì game online. Bạo lực học đường ngày càng gia tăng cũng tại game online. Nhưng, “muốn cấm được game online thì phải xây dựng chỗ chơi cho trẻ”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đại diện Sở Thông tin & Truyền thông TP phân tích: “Giá của trò chơi lành mạnh hiện nay quá mắc, không phải trẻ em nào cũng có thể chơi được. Cụ thể chỉ với 4 ngàn đồng, trẻ có thể chơi được 1 tiếng game online, nếu chơi giỏi còn có thưởng. Nhưng với 15-20 ngàn đồng thì mới chơi được 10 phút các trò chơi lành mạnh”. Đây cũng là lý do khiến trẻ mê game online…
Sân chơi cho thiếu nhi đã thiếu, sân chơi cho đối tượng thanh thiếu niên càng thiếu hơn. Hiện nay, cả thành phố chỉ có 2 trung tâm hoạt động thanh thiếu niên ở Q.3 và Q.Bình Thạnh là sân chơi cho cả thiếu nhi và thiếu niên. “Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các em cần được vận động để xả bớt năng lượng. Vì không có sân chơi ngoài trời để vận động cơ bắp như đá bóng, đánh cầu lông, chơi bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật… nên các em phải vào nhà để vận động đầu óc với các trò chơi của game online”, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP bức xúc.
“Thành phố có 23 NTN, trong đó có 1 NTN cấp thành phố và 22 NTN cấp quận, huyện. Cứ tưởng trẻ em sẽ có nhiều chỗ để chơi nhưng thực ra không phải vậy”, ông Nguyễn Văn Minh chua chát.
Từ thực tế trên cho thấy, các NTN đã không làm tròn trách nhiệm, không hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ được giao…
Bà Trần Thị Ngọc Anh cho rằng: “Theo Nghị định 43, các NTN hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, không còn được bao cấp như trước đây. Nhưng điều đó không có nghĩa NTN cho thuê mặt bằng làm nhà hàng tiệc cưới, trung tâm luyện thi, bãi giữ xe. Nếu cho thuê mặt bằng thì phải phù hợp với hoạt động của NTN, phục vụ được đối tượng là trẻ em như nhà sách… Bên cạnh đó, để thu hút trẻ, các NTN cần đa dạng các hoạt động. Đồng thời, các NTN phải xác định đây là nơi trẻ vừa học vừa chơi chứ không phải chỉ học vì học ở trường đã quá nặng nề đối với các em rồi”…
Bài, ảnh: Thùy Linh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)