Cha mẹ cần quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: L.Đ.L |
Trong những cái chết oan uổng của nhiều học sinh (HS) thời gian qua, có một điểm chung từ nguyên nhân đưa các em đến quyết định dại dột này là thiếu sự định hướng từ phía gia đình.
Đâu là nguyên nhân?
Chỉ trong một thời gian ngắn, có nhiều vụ HS tự tử xảy ra. Điều đáng nói là những cái chết của các em với lý do rất đơn giản khi tuổi đời còn quá trẻ đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về vấn đề ứng xử của người lớn cũng như giáo dục kỹ năng sống cho các em. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và làm thế nào để hạn chế nó ở mức thấp nhất?
Gia đình đóng vai trò tinh thần rất quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ. Thế nhưng, vai trò này đối với trẻ ngày càng mờ nhạt. Nhiều bậc cha mẹ chỉ cắm cúi làm việc, lo cho con đủ ăn, đủ mặc mà không để ý đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Lớn lên bằng trạng thái cô đơn trong gia đình, ức chế nơi trường học, chỉ có bạn bè trang lứa (vốn cũng thiếu kinh nghiệm sống, nhạy cảm, dễ tổn thương) làm vui thì khi gặp chuyện khó khăn trong cuộc sống, các em dễ thấy chán nản, suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết như một lối để giải thoát.
Đây là lứa tuổi với nhiều sự biến đổi tâm sinh lý nên thường có nhiều “thắc mắc” thậm chí là cả những trằn trọc, khó khăn… nhưng không được giải tỏa hay giúp đỡ để vượt qua. Vì thế, các em rơi vào trạng thái bế tắc, không kiểm soát, thậm chí có khi rơi vào cảm giác cô đơn và thích tụ tập để được tự do tìm kiếm sự đồng cảm hoặc nảy sinh ý định muốn từ bỏ cuộc đời. Một số em không tìm thấy hứng thú trong cuộc sống vì được người lớn bảo bọc quá đầy đủ nên luôn luôn cảm thấy cuộc đời chẳng có gì thú vị khi mình không cần phải vận động hay nỗ lực gì cả. Từ đó dẫn đến cảm giác nhàm chán và muốn tìm đến những điều mới lạ hơn như đi bụi, tự tử là một giải pháp để được thỏa mãn của sự khám phá, tò mò. Với áp lực học tập và trào lưu chạy đua theo các thứ phù phiếm hình thức bên ngoài mà một số em quên đi những giá trị sống, kỹ năng sống cần thiết. Và khi rơi vào những tình huống khó khăn, các em không đủ kỹ năng cần thiết để giải quyết từ đó sẽ bất mãn với chính bản thân, với cuộc sống của chính mình, và đây là thời điểm thích hợp để các ý nghĩ tiêu cực xuất hiện. Các bậc phụ huynh hiện nay quá bận rộn nên ít có thời gian để lo lắng, chăm sóc. Việc chuyện trò để hiểu con em mình là việc làm “quá sức” trong thời kỳ “kinh tế là mối quan tâm hàng đầu hiện nay” nên một số em thiếu đi sự định hướng từ gia đình, luôn cảm thấy trống trải và cô đơn nên dễ phát sinh những cảm xúc thiếu tích cực.
Gia đình là điểm tựa quan trọng
Làm thế nào để nhận biết được một HS, một bạn trẻ có vấn đề, muốn tự tử? Để kiểm soát được vấn đề này, sẽ có một số dấu hiệu cơ bản như: Khi trẻ ít quan tâm đến bản thân, không chú ý đến cách ăn mặc hoặc diễn đạt ý muốn, nói năng một cách “cụt ngủn” với những từ ngữ đơn giản, dễ nghe, thậm chí là hơi “cộc cằn”; suy nghĩ của trẻ thường ít chú ý tập trung, giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng ngoài mức cho phép theo tiêu chuẩn “làm cho có”; trẻ ít tiếp xúc, thích ở một mình và hạn chế tối đa việc gặp gỡ cha mẹ hay người thân… Để ngăn ngừa tình trạng HS tự tử thì về phía gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho các em khi thất bại. Cha mẹ phải luôn đem lại những cảm xúc tích cực cho con cái, phải học cách sắp xếp thời gian để luôn ở bên con khi con cần. Cố gắng trò chuyện để biết được mong muốn của con nhằm giúp con cảm thấy ý nghĩa của gia đình, của tình thương và nâng tầm giá trị bản thân mình. Cần cố gắng giúp con bày tỏ cảm xúc, nói ra suy nghĩ của mình đồng thời định hướng cho con tới những cảm xúc tích cực. Còn về phía xã hội cần tạo ra nhiều sân chơi cho các em có cơ hội giao lưu, trải nghiệm để ý thức được giá trị bản thân. Ngoài ra, mỗi HS cũng cần học cách quan sát và tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động cộng đồng để bồi đắp những suy nghĩ, cảm xúc tích cực cho cuộc sống.
ThS. tâm lý Nguyễn Hữu Long
(Trường CĐSP Trung ương TP.HCM)
Bình luận (0)