Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thiếu sữa mẹ, trẻ suy dinh dưỡng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất đối với trẻ em
Vì 1.001 lý do như thiếu sữa, bận đi làm, lo ngại sữa mẹ thiếu chất, sợ cho con bú thì ngực xấu… nên khá nhiều bà mẹ ở TP.HCM đã không cho con bú. Hậu quả là trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD), cả cân nặng lẫn chiều cao đều không đạt yêu cầu…
38 ngàn trẻ SDD thể thấp còi
Báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM về tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn thành phố cho thấy: Năm 2012, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân/tuổi giảm còn 5,3% (cả nước là 16,2%), tỷ lệ SDD chiều cao/tuổi giảm còn 7,6% (cả nước là 26,7%). “Mặc dù tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi TP.HCM thấp hơn trung bình của cả nước, song với khoảng 500 ngàn trẻ dưới 5 tuổi thì số trẻ SDD của thành phố là rất lớn. Cụ thể, toàn thành phố có 26,5 ngàn trẻ SDD thể nhẹ cân, 38 ngàn trẻ SDD thể thấp còi”, BS. Nguyễn Ngọc Thông – Giám đốc trung tâm khẳng định.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 9 tháng đầu năm 2013, bệnh viện tiếp nhận 46.825 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng, trong đó có 7.479 trẻ bị SDD (tỉ lệ 16%). Điều đáng nói là có tới gần 18% trẻ bị SDD nặng và rất nặng.
Là một thành phố có GDP/đầu người cao ngất ngưởng, dịch vụ y tế phát triển vào bậc nhất của cả nước, tại sao TP.HCM lại có tới 38 ngàn trẻ thấp còi và 26,5 ngàn trẻ nhẹ cân? Trả lời câu hỏi này, BS. Thông nhấn mạnh: “Những tồn tại trên là hệ quả của thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi dưỡng trẻ chưa hợp lý. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2011 tại TP.HCM, tỷ lệ trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ trong vòng một giờ sau sinh là 27% (giảm 5% so với năm 2010 – 32%), chỉ bằng 50% mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn rất hiếm, không ghi nhận được (năm 2010 là 1%), tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng bú mẹ là chủ yếu giảm từ 24% năm 2010 xuống còn 8%”.
Tình trạng SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi theo khu vực có sự phân hóa rất rõ rệt. Khảo sát năm 2012 của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy, trẻ dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân ở khu vực nội thành là 3,4%, còn ngoại thành là 6,2% (cao gần gấp 2 lần so với nội thành). Đối với SDD thể thấp còi, ở nội thành là 5,4%, trong khi ngoại thành lên tới 10,9%.
Không chỉ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD mà khá nhiều học sinh tiểu học, phổ thông cũng rơi vào tình trạng này. Hiện thành phố có 3,5% học sinh tiểu học, 6,6% học sinh THCS và 10,7% học sinh THPT SDD thấp còi; ở thể nhẹ cân là 4% (học sinh tiểu học), 7,4% (học sinh THCS) và 7,7% (học sinh THPT).
Đừng lãng phí sữa mẹ
Có thể nói nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng SDD trẻ em là do các bé không được bú sữa mẹ. Trong khi, “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất đối với trẻ em. Trong sữa mẹ có gần như đầy đủ các chất mà một em bé cần trong những tháng đầu và đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ ở những tháng sau”, BS. Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 – khẳng định.
Cũng theo BS. Hậu, thông thường từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mẹ đã bắt đầu có sữa non, với nhiều năng lượng và kháng thể. Ngay sau sinh, sữa non đã sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của bé. Trẻ mới sinh chỉ cần vài ml sữa non là đủ. Nếu cho bú sớm, sữa mẹ sẽ mau về hơn, đồng thời trẻ sẽ được bảo vệ chống lại bệnh tật do hàm lượng kháng thể trong sữa non rất cao. Vì vậy, các bà mẹ nên cho con bú ngay sau sinh, càng sớm càng tốt – trong vòng 1/2 giờ đầu. Không nên cho trẻ uống bất kỳ loại sữa hay nước nào khác vì như vậy vừa bỏ phí nguồn sữa non, vừa làm mất phản xạ tiết sữa của mẹ khiến sữa chậm về. Chưa kể nguồn thức ăn đưa từ bên ngoài vào không thể nào vệ sinh và tươi mới như sữa mẹ.
Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ có sự biến đổi nhẹ tùy theo thời điểm trong ngày, đầu và cuối cữ bú, cũng như giữa các bà mẹ khác nhau, nhưng được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của trẻ. Trong giai đoạn phát triển của trẻ, sữa mẹ cũng thay đổi theo để đáp ứng 2 nhu cầu về dinh dưỡng và miễn dịch của trẻ. 
 “Trẻ bú sữa mẹ có sức đề kháng và trí thông minh cao hơn trẻ bú bình. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ bú bình có nguy cơ viêm phổi cao gấp 3,9 lần và nguy cơ tiêu chảy cao gấp 17,3 lần so với trẻ bú mẹ. Sữa mẹ là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Đó là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ, giúp trẻ thông minh và khỏe mạnh, giúp mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh, ngăn ngừa một số nguy cơ bệnh tật, đồng thời thắt chặt mối liên hệ tình cảm mẹ con và rất kinh tế cũng như tiện lợi”, BS. Hậu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Kim Anh
Đủ sữa cho con nếu biết cách cho bú đúng
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đa số các bà mẹ đều đủ sữa cho con nếu biết cách cho bú đúng. Số lượng tế bào tiết sữa trong bầu ngực của các bà mẹ là như nhau, khoảng 2 triệu tế bào, bất kể ngực to hay nhỏ. Khi cho con bú nhiều và bú cạn sữa trong ngực, nhất là bú đêm, sữa mẹ sẽ tạo ra liên tục để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Bà mẹ chỉ cần ăn thêm khoảng 1-2 chén cơm mỗi bữa ăn là đủ. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)