Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thiếu thầy, thiếu lớp… học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một trường TH trên địa bàn quận 12 bị ngập do triều cường dâng cao

Trọng tâm nội dung buổi họp giao ban diễn ra trong hai ngày 11 và 12-3 là chuẩn bị cho năm học mới (2009-2010), bên cạnh một số vấn đề mang tính chuyên môn.
Những cố gắng
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS Huỳnh Công Minh cho biết: “Việc xây dựng môi trường học thân thiện các trường ở các bậc học thực hiện khá tốt, đặc biệt ở bậc mầm non (MN). Chất lượng giáo dục bậc tiểu học đạt một số kết quả tương đối khả quan ở học kỳ1. Cụ thể, tỉ lệ lớp 2 buổi/ngày tăng 3,4% so với cùng kỳ. Giáo dục tiểu học có chỉ số hài lòng cao nhất của người dân thành phố qua khảo sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM. Đội ngũ giáo viên chú trọng tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và thực hiện tốt đổi mới phương pháp giảng dạy. Bậc THCS và THPT sinh hoạt theo cụm nên có sự liên kết chặt chẽ giữa các trường trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn đội ngũ. Đặc biệt các cụm trường chủ động tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc biên soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Các cụm tiến hành đánh giá thư viện và phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Các phòng GD-ĐT và trường THPT tổ chức chu đáo các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi. 17/24 quận – huyện đã thực hiện kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập”.
Điệp khúc thiếu thầy, thiếu lớp
“Việc xây dựng trường mầm non (MN) theo chỉ thị 03 của UBND TP.HCM tiến triển quá chậm”, một lãnh đạo ngành GD-ĐT TP.HCM than. Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN nói: “Tính đến thời điểm này, cả TP có 14 phường xã “trắng” trường MN. Theo ghi nhận, tôi biết có 4 phường đang có kế hoạch xây, nhưng chưa biết lúc nào triển khai? Các địa phương như quận 4 và Phú Nhuận chắc không thể xây thêm trường MN được vì không có đất, dù hai địa phương này vẫn có phường “trắng” trường MN”. Cô Phan Thị Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 cho biết: “Khu đất 249C Nguyễn Văn Luông đã được UBND Quận cấp để xây trường, nhưng khâu bàn giao đất quá nhiêu khê. Đích thân Bí thư quận ủy giúp đỡ mà vẫn chưa tới đâu?”. Và bà Phượng nhờ đồng chí Giám đốc Sở với tư cách Thành ủy viên tác động giùm! Sĩ số lớp của các bậc học hiện nay là con số luôn làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục, luôn nằm ở ngưỡng trên 40 HS/lớp, thậm chí có lớp sĩ số trên 50 HS. Đối với lực lượng thầy cô giáo, hầu như quận huyện nào cũng thiếu, chủ yếu vẫn nằm ở bậc tiểu học. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 và ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cùng khẳng định: “Cả ba bậc học MN, tiểu học và THCS đều thiếu giáo viên, thiếu trầm trọng”. Lượng dân nhập cư mỗi ngày mỗi tăng tạo thêm sức ép về chỗ học. Theo đó, lực lượng thầy cô giáo không kịp để cung ứng.
Đau đầu… học sinh bỏ học
Theo chỉ đạo của thành phố, năm học 2008-2009 là năm học công nghệ thông tin, nhưng không một đơn vị giáo dục nào nhận được khoản kinh phí dành cho việc trang bị máy vi tính hay những thiết bị phục vụ theo tinh thần chỉ đạo. Hầu như các trường bơi trong sự sáng tạo của mình. Ông Nguyễn Trọng Chức, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh đề nghị: “Sở GD-ĐT cần tham mưu với UBND TP trong việc cung cấp trang thiết bị vi tính. Có như thế chúng tôi mới thuận lợi thực hiện chỉ đạo”. Giám đốc Sở Huỳnh Công Minh ghi nhận và ông chỉ đạo Phó
giám đốc Dương Ngọc Thanh khẩn trương làm văn bản đề xuất gửi UBND TP. Các trường phải hạn chế tỉ lệ HS bỏ học, nhưng thực hiện được không phải là chuyện dễ dàng mà cần có sự phối hợp từ nhiều cơ quan, chính quyền. Cô Phan Thị Phượng nói: “Tỉ lệ HS bỏ học của Trường THCS Văn Thân lên đến 1,14%, cao nhất quận. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trường học quá xuống cấp”. Thầy Triệu Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 cũng bức xúc việc tỉ lệ học sinh bỏ học cao, thầy nói: “Ngay như hai phường 12 và 13 là những phường rất ít người dân nghèo, nhưng tỉ lệ bỏ học làm chúng tôi lo âu. Có phụ huynh nói thẳng với giáo viên: “cô cho nó nghỉ học đi”, khi cô giáo trao đổi với phụ huynh về việc học sa sút của con em họ!”. Cô Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú thì: “Quận Tân Phú lượng dân nhập cư khá đông. Thời gian qua, nhiều người mất việc, họ đến rút hồ sơ và nói: cho về quê. Chúng tôi không biết giải quyết cách nào?”.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)