Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thiếu tin tưởng trẻ, giáo viên tự “ôm” gánh nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình giáo dục mầm non mới nhằm tăng cường linh động trong cách dạy trẻ để giảm tải cho giáo viên. Nhưng trên thực tế nhiều giáo viên do thiếu sự linh hoạt nên vẫn còn tự… ôm tải vào người.

 

Giờ làm quen với chữ viết tại một trường mầm non ở Q. Tân Phú (TPHCM), giáo viên (GV) treo bảng chữ cãi lên bảng, cầm thước chỉ từng chữ để hơn 20 trẻ trong lớp đồng thanh đọc theo. Các trẻ đọc như cháo theo thứ tự nhưng khi cô giáo “ngắt quãng” bất ngờ chỉ vào một chữ hoặc yêu cầu ghép chữ thì các cháu ú ớ ngay. Cô giáo nổi cáu, lại bắt các cháu đọc lại từ đầu.

Đọc chưa đâu vào đâu, các cháu lại cặm cụi cúi đầu trong vở tập tô bảng chữ cái. Một vài em tô rất đẹp nhưng khi cô hỏi ghép chữ này với chữa kia, các cháu lại ngắc ngứ. Buổi học trở nên căng thẳng, cô mệt và trò cũng mệt mà chẳng mấy hiệu quả.
Trong giờ tổ chức hoạt động vui chơi tại một ltrường khác, các em tham gia nặn đồ chơi. Trò chơi đầy tình sáng tạo nhưng các em lại không được thả sức… vì khi các em nặn thứ gì đó chưa thành hình theo ý mình thì đã bị cô lái ngay sang những đồ vật, con vật và cả các chọn màu sắc quen thuộc. Thêm nữa, ngồi nặn đất mà chỉ cần để đất rơi vãi liền bị cô nhắc gom lại ngay nên các em vừa chơi vừa phải ngó trước nhìn sau để nhặt đất.
Lẽ ra giờ chơi này các em được “tung hoành” sự sáng tạo của mình thì vẫn phải theo sự chỉ dẫn đến mức áp đặt của giáo viên nên thấy rõ trò chơi của trẻ con nhưng lại mang dáng dấp… người lớn thấy rõ.
Hết giờ chơi, thay vì để các cháu tự thu dọn đồ chơi lại thì các cô yêu cầu trẻ ngồi ngoan vào ghế, các cô tự đi thu dọn. Có thể vì các cô ngại để các cháu làm vừa lâu mà lại mất công đi kiểm tra, thu xếp lại nên thà… mình làm cho xong.Thế là trẻ mất một dịp vừa chơi vừa tăng cương kỹ năng quản lý đồ chơi.
Dường như GV quên mất rằng sự bừa bộn trong khi chơi là một điều kiện để khuyến khích tính sáng tạo. Hơn nữa, việc để các em tự thu dọn đồ chơi là cách để trẻ tăng cường các kỹ năng chăm sóc bản thân lẫn phát triển trí óc nhưng nhiều GV vẫn còn tâm lý để trẻ làm chỉ “rách việc”.
Bà Lê Thị Liên Hoan, Phó trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng nhiều GV còn hiểu sai về chương trình GDMN mới. Việc đổi mới phát đạt được 2 mục đích: trẻ phát triển và linh động hơn, còn GV được giảm tải bớt áp lực chứ đổi mới mà GV cực hơn thì chẳng đổi mới để làm gì. 
Bà Hoan phân tích, các hoạt động giúp làm quen chữ viết ở các trường mầm non vẫn còn đơn điệu (giờ học và góc viết chữ), thường tập trung ở những phương pháp quen thuộc như nhận biết chữ cái, đồ, sao chép chữ. Trong khi đó để trẻ dễ tiếp thu và GV ít cực hơn cần tăng cường một số hoạt động như cho trẻ xem những mô tả, lời kể của trẻ; sáng tạo chữ viết qua trò chơi như viết thư cho người thân, viết thiệp chúc mừng; cho trẻ so sánh các chữ cái, tìm chữ giống nhau trong những bài thơ, câu hát; cho trẻ tưởng tưởng chữ cái…
Phương pháp giáo dục của chương trình mầm non mới tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú và phát huy tính sáng tạo cho trẻ. Nhưng trong cách dạy của mình, GV vẫn còn nặng về lý thuyết, áp đặt không những không phát huy được sự sáng tạo ở trẻ mà cô lại thêm nhiều việc. Theo bà Hoan, nguyên nhân là GV chưa thật sự tin vào khả năng của trẻ trong việc tự làm đồ dùng đồ chơi (sợ trẻ làm hỏng, xấu) nên còn làm thay trẻ quá nhiều.
Bà Hoan nhấn mạnh, lao động là hình thức giáo dục rất tốt để trẻ trau dồi kỹ năng sống, phát triển trí óc. Vì thế cần tạo điều kiện cho trẻ khả năng tự phục vụ bản thân, chăm sóc trường lớp. Qua đó, GV cũng sẽ bớt được gánh nặng.
Một điều làm bà Hoan cũng rất trăn trở là trẻ cần được tham gia nhiều vào các hoạt động ngoài trời để tăng cường khả năng vận động và quan sát nhưng hầu hết các trường vẫn còn hạn chế các hoạt động này. Thay vì các hoạt động giúp trẻ vận động, quan sát thì GV vẫn có khuynh hướng tổ chức trò chơi tĩnh hay để trẻ trong lớp học.
Bà Hoan này kể, có lần đi thăm một trường mầm non cấp thành phố, bà xót xa và lo lắng vô cùng khi thấy suốt cả một buổi sáng, toàn bộ trẻ chỉ được ngồi ở trong lớp chứ không được ra sân vui chơi. Trong khi đó, các GV đều phải hiểu rằng trẻ được ra ngoài trời, quan sát cảnh vật thiên nhiên trí não sẽ phát triển hơn nhiều so với những trẻ dù học nhiều nhưng bị giam trong bốn bức tường.
Hoài Nam (Dân trí)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)