Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thiếu trường hay biết “bệnh” mà không chữa?

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng quá tải trường học, đặc biệt bậc mầm non và tiểu học tại Hà Nội ngày càng trầm trọng. Kể cả sau khi Hà Nội đã mở rộng thì hàng trăm khu đô thị mới xây dựng cũng vẫn trong tình trạng "trắng trường", trong khi chỗ học cho con em khu vực phố cổ, phố cũ luôn "nóng" dẫn tới hệ quả là chạy trường, chạy lớp, xin học trái tuyến và nhiều tiêu cực khác.
Thay đổi cách tuyển sinh – trường học vẫn thiếu
Năm nay, ngành Giáo dục Hà Nội đã thay đổi phương pháp tuyển sinh để tránh gây tình trạng "vỡ" trường như mọi năm. Nhiều trường vốn xảy ra tình trạng lộn xộn trong mùa tuyển sinh trước thì năm nay đã có cách làm khác. Tuyển sinh phân theo lớp và độ tuổi, bốc thăm nhằm giảm tải và tránh lộn xộn.
Theo bà Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, qua kết quả điều tra khảo sát trẻ ở độ tuổi đến trường (từ 2-5 tuổi) năm nay trên từng phường thì Thụy Khuê là phường đứng đầu quận Tây Hồ, với 1.467 trẻ. Trong khi đó, phường Thụy Khuê chỉ có 1 trường mầm non Chu Văn An với quy mô 15 lớp.
Theo điều lệ của trường mầm non thì Trường Chu Văn An chỉ tiếp nhận được 600 cháu, nhưng hiện tại đã tiếp nhận 805 cháu (vượt chỉ tiêu) và cố gắng hết mức cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của trẻ đến trường. Năm học 2011-2012, Trường Mầm non Chu Văn An tuyển sinh 90 học sinh mẫu giáo và 55 học sinh nhà trẻ.
Bà Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Văn An cho biết: "Năm nay chúng tôi tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm để đảm bảo công bằng, tránh làm lãng phí thời gian của phụ huynh. Nhà trường đã phân lịch tuyển sinh theo lứa tuổi nên tránh được sự chen lấn".
Theo bà Thảo, năm nay quận Tây Hồ có 4 trường tuyển sinh theo hình thức bốc thăm là Xuân La, Tứ Liên, Nhật Tân và Chu Văn An. "Phường Xuân La có các khu tái định cư, khu đô thị mới với nhiều nhà chung cư cao tầng nhưng không có trường học nên trẻ đổ dồn vào Trường Mầm non Xuân La. Tuy trường này có hai cơ sở nhưng đang rơi vào quá tải do không đáp ứng hết nhu cầu lứa tuổi đến trường có hộ khẩu trên địa bàn phường" – bà Thảo cho biết.
Để xin được một suất học cho con vào trường mầm non, hàng trăm phụ huynh phải vất vả chầu chực cả đêm.
Năm nay, điểm tuyển sinh Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc không còn tình trạng xếp hàng, nhảy tường xin học cho con như năm 2010 vì Trường Tràng An đã tiếp nhận học sinh năm học mới. Đêm 30-6, trường im lìm trái ngược với không khí cách đây một năm.
6h sáng 1/7, khi chúng tôi có mặt tại Trường thì chỉ có lác đác ông bà của trẻ đến "thăm dò". Bà Nguyễn Thị Ly, ở khu tập thể ngoại ngữ dự định đi xếp hàng xin học cho cháu nội sinh năm 2006. Nhưng sau khi xem thông báo và được bảo vệ hướng dẫn ngày tuyển sinh đợt khác, bà ra về.
Ông Nguyễn Khắc Luyện, ở A10, tập thể Thanh Xuân Bắc sau khi đến Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc đã phải sang Trường Tràng An vì cháu ngoại của ông sinh năm 2008, tuyển sinh tại Trường Tràng An. Các con ông đi nghỉ mát, trên đường về phải nhờ ông đi xếp hàng xin học cho cháu nhưng hôm nay chưa đến ngày tuyển sinh.
Chầu chực suốt đêm, trèo tường, vượt rào để giành giật một suất học cho con quả là câu chuyện khó tin nhưng nó lại là thực tế diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội. Dân số tăng như vũ bão, quỹ đất dành cho xây dựng trường nhiều năm vẫn không "nở" ra, dẫn tới thiếu trường, thiếu lớp.
Trẻ ở tuổi đến trường không được vào học công lập, buộc phụ huynh phải xin cho con đi học trường tư. Nhiều phụ huynh cho rằng, tình trạng quá tải trường mầm non đang diễn ra có một nguyên nhân là do trường dân lập, tư thục chưa đáp ứng được nhu cầu học và học phí chưa phù hợp với đại bộ phận nhân dân lao động.
Phụ huynh xếp hàng dài chờ xin học cho con ở Trường mầm non Ánh Sao, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy vào 6h30 ngày 1/7.
Còn trường mầm non dân lập có chất lượng tốt thì mức học phí lại cao, có thể lên tới mức 3-4 triệu đồng/tháng. Những trường có mức thu học phí chấp nhận được với người dân lao động thì cơ sở vật chất lại tồi tàn, chất lượng giáo dục cũng không được cao.
Vậy nên tất yếu người dân phải đổ xô vào trường công lập để được hưởng một nền giáo dục lâu năm với đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản, trường lớp có không gian tốt, mức học phí lại không cao.
Dân số tăng nhanh, trường quy mô mở chậm
Mấy năm nay, Tây Hồ là một trong những quận "nóng" nhất của Hà Nội về tình trạng thiếu trường, thiếu lớp mầm non công lập. Bà Lê Thị Thảo cho biết: Hiện nay, tất cả các phường của quận Tây Hồ đều có 1 trường mầm non công lập, trong đó có 4 trường có 2 cơ sở nhưng đều không giải quyết hết nhu cầu đến trường của trẻ, chỉ đáp ứng được 45-50% nhu cầu".
Phường Thanh Xuân Bắc, nơi có số dân đông thứ hai của quận Thanh Xuân (chỉ sau phường Nhân Chính) là tâm điểm của bức xúc quá tải trường học trong nhiều năm trước và đặc biệt là năm 2010. Phường chỉ có hai trường mầm non là Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc và Trường Mầm non Tràng An, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS.
Ngoài ra, trên địa bàn phường cũng có một trường mầm non tư thục và hơn 10 lớp mầm non (nhóm trẻ gia đình). Hai trường mầm non công lập được xây dựng cách đây hơn 20 năm, khi bắt đầu thành lập phường, phục vụ cho lượng dân cư lúc đó chưa tới 1 vạn người.
20 năm sau, dân cư từ khắp nơi đổ về, 59 nhà cao tầng (trong đó có 57 nhà cao tầng cũ, 2 nhà cao tầng mới) mọc lên. Dân số tăng lên xấp xỉ 3 vạn người (tức là tăng gấp 3 lần), trong khi diện tích trường học, phòng học vẫn đứng im. Đó là chưa kể một lượng lớn dân cư ở các phường, xã lân cận cũng muốn cho con em đến Thanh Xuân Bắc học tập.
Ông Trương Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết, năm nay hai trường mầm non công lập tuyển sinh trong nhiều ngày, chia các lứa tuổi nên sẽ không xảy ra tình trạng chen lấn như năm trước. UBND phường đã phối hợp với nhà trường để có hình thức tổ chức tuyển sinh chính xác, đúng đối tượng.
Phường tiến hành khảo sát số trẻ, đưa thông báo tới từng gia đình có con thuộc lứa tuổi mẫu giáo lớn. Phụ huynh chỉ cần cầm thông báo đó đến trường đúng ngày là sẽ được tiếp nhận. Tuy vậy, trẻ ở lứa tuổi sinh năm 2009 thì khó khăn hơn. Cả phường chỉ tuyển 90 cháu sinh năm 2009.
Trong khi đó, số trẻ ở độ tuổi sinh năm 2009 đăng ký khai sinh trên địa bàn phường là 428 trẻ. 90/428 trẻ được vào học trường công lập chứng tỏ tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra trầm trọng tại khu vực này. Ông Khánh cũng cho biết, việc xây dựng thêm phòng học chỉ giảm phần nào quá tải, vẫn phải xã hội hóa giáo dục để giảm tải.
Nói đến giải pháp cho tình trạng quá tải trường học, đại diện UBND phường Thanh Xuân Bắc cho rằng chỉ có giải pháp xây dựng thêm trường học mới phục vụ được cho lượng dân cư tăng lên liên tục. Nhưng phương án này rất khó, vì: "Từ khi phường thành lập năm 1982 đã có quy hoạch của Bộ Xây dựng. Theo đó, đất dành cho trường học chỉ là tại vị trí của hai trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS. Toàn bộ diện tích đất của phường đã được quy hoạch hết. Hiện phường không còn tìm đâu ra đất để xây trường học nữa. Giải pháp duy nhất là xây lại trường để tăng thêm diện tích sử dụng".
Lượng trẻ đến lớp tăng vùn vụt, trường mầm non chưa có sự đồng bộ về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy, sự bố trí trường ở các cấp học vẫn còn bất hợp lý dẫn đến tình trạng thiếu trường trong toàn thành phố.
Toàn thành phố có 800 trường mầm non, trong đó có 650 trường mầm non công lập, 150 trường ngoài công lập, các trường công lập chỉ giải quyết được 50% nhu cầu của trẻ đến trường.
Theo cand

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)