Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thiếu trường mầm non nhưng sợ vốn kích cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Vẫn còn thiếu rất nhiều trường dành cho trẻ, nhưng khó thực hiện mô hình xây dựng trường mầm non bằng vốn vay kích cầu – Ảnh: B.Thanh
Thiếu trường mầm non, nhưng các quận, huyện ở TP.HCM vẫn không mặn mà thực hiện mô hình xây trường bằng vốn vay kích cầu.

Mới đáp ứng 55% nhu cầu gửi trẻ

Cho dù với số lượng trên 350 trường mầm non công lập – là địa phương có số trường mầm non lớn nhất trong cả nước nhưng TP.HCM cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu gửi trẻ. Vì nhu cầu cao nên cho dù quy định tối đa của bậc học này là 25 – 30 học sinh/lớp thì sĩ số thực tế hiện nay của các lớp ở trường công đều tăng từ 1,5 – 2 lần. Vẫn còn gần 45% số lượng trẻ (gần 100.000 cháu) đang theo học tại 254 trường mầm non tư thục và 800 nhóm lớp tư thục.

Quả thật, nếu như các trường, nhóm lớp tư thục đảm bảo chất lượng, cũng như học phí và các khoản thu khác phù hợp với đại đa số đời sống của cha mẹ học sinh thì sự góp sức của hệ thống các trường trên là vô cùng quý giá. Tuy nhiên do chất lượng chưa đồng đều, phòng học chật hẹp, thiếu ánh sáng, không có sân chơi, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đứng ở góc độ quản lý, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM gợi ý: "Nơi nào còn thiếu trường lớp nên xây bằng vốn kích cầu, tức là kinh phí xây dựng, trường được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP trong khoảng thời gian nhất định mà không phải trả tiền lãi. Khi đưa vào sử dụng, cho dù nhà trường tự hạch toán khoản phí kích cầu từ PHHS thì các khoản thu vẫn còn thấp hơn so với học phí của các trường tư thục. Đó là chưa kể chất lượng giáo dục nhà trường được kiểm soát chặt chẽ, cơ sở vật chất đạt chuẩn…".

Để vay vốn không là gánh nặng…

Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp của Sở GD-ĐT TP.HCM thì tính đến thời điểm hiện nay TP.HCM vẫn còn một số quận huyện có phường "trắng" trường mầm non. Không bàn đến chuyện có hay không có quỹ đất dành để xây dựng trường học thì đại đa số các quận huyện vẫn tỏ ra e ngại với mô hình kích cầu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho biết: "Nếu các trường tiểu học hoặc THCS xây dựng bằng vốn vay kích cầu thì không thành vấn đề vì các trường này đều có số lượng học sinh nhiều, có thể thu hồi vốn nhanh. Nhưng với trường mầm non thì ít khả thi vì trường nào có 500 học sinh là đã lớn lắm rồi". Từ đó bà Hồng Hải có những lý giải cụ thể: "Xây dựng 1 trường mầm non cần tối thiểu là 10 tỉ đồng, nếu được vay trong vòng 10 năm thì mỗi năm nhà trường phải trả 1 tỉ đồng.

Nhưng năm học có 9 tháng nên chỉ thu phí kích cầu của học sinh chừng đó thời gian, tính ra mỗi tháng phải thu trên 110 triệu đồng. Với 500 học sinh, tính trung bình mỗi học sinh phải đóng hơn 200.000 đồng/tháng, trường nào ít học sinh thì con số trên cao hơn nhiều. May mắn trường nào đóng ở địa bàn dân cư có thu nhập cao, còn những phường, xã nghèo thì mỗi tháng đóng thêm phí kích cầu nữa sẽ trở thành gánh nặng cho PHHS".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lưu Văn Thành – Trưởng phòng Giáo dục Q.4 cho biết: "Dù Q.4 hiện nay vẫn còn 1 phường chưa có trường mầm non, học sinh vẫn phải đi học nhờ bên phường khác nhưng chúng tôi cũng không dám thực hiện xây dựng trường bằng vốn kích cầu. Thực tế là quỹ đất xây trường ở phường không có, nếu muốn xây thì phải giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Nếu sử dụng vốn kích cầu thì không biết khi nào trả xuể"…

Theo bà Vũ Thị Xuân Liên – Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Anh (Q.5), ở những khu dân cư có đời sống khó khăn lại rất cần trường công lập. TP tạo điều kiện bằng cách nên cho phép nhà trường được tự chủ về thời gian trả nợ. Ví dụ ở khu vực dân cư thấp, PHHS có khả năng đóng tiền kích cầu 50.000 đồng/tháng thì nhà trường được vay với thời gian tương đương sau khi tính toán từ mức thu trên.

Còn không được ưu đãi như vậy và sợ các trường không nhanh chóng hoàn vốn thì Nhà nước cho số năm ân hạn cụ thể, sau đó có thể thu tiền lãi nhưng phải có ưu tiên cho khối trường học là lãi suất thấp, cố định… Có như vậy mới giảm bớt gánh nặng, từ đó các trường mới mạnh dạn thực hiện". Hoặc bà Hồng Hải đưa thêm một giải pháp để khuyến khích thực hiện mô hình này là cho các trường xây dựng với 50% vốn vay kích cầu và 50% còn lại là ngân sách cấp.

Bích Thanh (Theo TNO)

Bình luận (0)