Sự kiện giáo dụcTin tức

Thiếu tư vấn hướng nghiệp: Sinh viên còn “lờ mờ” về ngành học

Tạp Chí Giáo Dục

Rất đông SV tham dự ngày hội việc làm nhưng số SV thực sự được tuyển dụng chưa cao. Ảnh: Quang Huy

SV chưa đánh giá cao hoạt động tư vấn việc làm do các trường tổ chức. Hoạt động “Liên kết với doanh nghiệp tạo cầu nối cho SV tìm hiểu thông tin việc làm trước khi tốt nghiệp” cũng chỉ đạt mức trung bình. Mức độ hài lòng của SV với cán bộ làm tư vấn cũng chỉ ở mức trung bình. Đây là kết quả điều tra nhu cầu hướng nghiệp, tư vấn việc làm thực hiện trên 300 SV của TS. Lê Thị Thanh Mai (Phó trưởng Ban ĐH & SĐH, ĐHQG TP.HCM) và nhóm cộng sự.
Các trường ĐH xem lại công tác hướng nghiệp
Thống kê của TS. Nguyễn Ánh Hồng (Trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), có đến trên 70% SV năm cuối “chỉ biết một phần” về thị trường lao động với ngành nghề họ đang theo học. Trong khi đó, chỉ không đầy 20% “biết rõ” và vẫn còn gần 10% SV “hoàn toàn không biết gì”. Điều này hẳn có liên quan đến hệ quả là ít nhất 60% SV ra trường cần được đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung. Ngoài các nguyên nhân như SV chưa được định hướng chọn nghề phù hợp, chưa có điều kiện tiếp cận với yêu cầu của nhà tuyển dụng hay thị trường lao động thì còn do các cơ sở giáo dục chưa tạo được mối liên hệ bền vững với thị trường lao động. Bà Phạm Bích Thủy (Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng ACB) nhận định, thực tế phỏng vấn nhóm SV ngành tài chính ngân hàng cho thấy nhiều em “ngơ ngác”, hoàn toàn không biết những công việc cơ bản của ngành ngân hàng. Thậm chí có em đến xin việc nhưng không có một sự chuẩn bị nào, chỉ đề nghị nhà tuyển dụng “cho làm việc phù hợp” nhưng khi được hỏi việc gì hợp với bản thân thì không trả lời được. Bà Thủy cũng nhận xét, SV hiện nay “nhỉnh” hơn các thế hệ trước về khả năng ăn nói và ngoại hình nhưng năng lực thì không bằng. Cả trăm SV mới tuyển được 1 em. Nhà tuyển dụng sau đó mất 3-6 tháng đào tạo lại SV. Nhưng sau thời gian đào tạo này, SV phát hiện ra mình không phù hợp nên… bỏ ngang công việc. Ông Đặng Đức Thành (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) có chung nhận định, lớp SV hiện nay không chỉ yếu năng lực, nhiệt huyết mà còn thiếu tinh thần trách nhiệm hơn so với các khóa trước. Lượng SV ra trường hằng năm rất đông nhưng doanh nghiệp phải kiếm đỏ con mắt mới tuyển dụng được. Nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Định hướng nghề nghiệp, việc làm cho SV” do ĐHQG TP.HCM tổ chức ngày 23-12, đều cho rằng cần “xem lại” hiệu quả công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho SV thời gian qua. 
Trường, doanh nghiệp cần “bắt tay”
Phía doanh nghiệp và nhà đào tạo thiếu cái “bắt tay” trong vấn đề định hướng nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho SV. Có ý kiến cho rằng, đến bậc ĐH mới được định hướng nghề nghiệp là đã quá muộn, việc này lẽ ra thuộc về những năm học phổ thông. Tại các trường ĐH, hoạt động này lại cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ phong trào, chưa tạo hiệu quả mong đợi. Thực tế các trường đối mặt với không ít trở ngại. Bà Nguyễn Quỳnh Mai (ĐH Quốc tế-ĐHQG TP.HCM) bày tỏ, việc định hướng nghề nghiệp hiệu quả khi SV tham gia vào thực tế, vì vậy trường chọn hướng đẩy mạnh thực tập. Có doanh nghiệp xây dựng hẳn chương trình cho SV thực tập nhưng cũng có đơn vị thiếu hợp tác tạo điều kiện cho các em. Bà Lại Thị Minh Đức (Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp & Phát triển nguồn nhân lực ĐHKHXH&NV TP.HCM) khẳng định: “Có thể tổng kết được số lượng đầu việc (vị trí tuyển dụng) nhưng không thể tính được bao nhiêu SV thực tế đã được tuyển dụng tương ứng số đầu việc đó. Vì có những em chủ động liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp thông qua các tờ quảng cáo chứ không nhờ đến trung tâm giới thiệu”. Hạn chế khác theo bà Đức là thiếu thông tin phản hồi phía SV. Chỉ SV đã được trung tâm giới thiệu việc mà cần thêm thông tin việc làm khác mới quay về phản hồi. Nhiều trường hợp khác im hơi lặng tiếng, nhất là SV đã ra trường. Phía đơn vị tuyển dụng, dù đã được đề nghị trước nhưng có doanh nghiệp sau khi tuyển dụng không chủ động gọi điện báo trường gỡ bảng quảng cáo xuống. Một số nhờ tuyển người xong thì “trốn luôn”, đến khi cần lại hối thúc nhờ trường đăng thông tin.
Phó phòng công tác HSSV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Hồ Thị Ánh Tuyết phản ánh, trường phát đi 100 phiếu để doanh nghiệp đánh giá chất lượng SV thì cũng chỉ nhận lại được 18. Đa số các phiếu hồi đáp đều từ các công ty nước ngoài. Công ty nhà nước và tư nhân rất ít hợp tác. Ông Đặng Đức Thành (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) nêu ngược lại, cần có thêm những cơ hội gắn kết doanh nghiệp với nhà trường bằng cách tăng cường giao lưu gặp gỡ giữa nhà tuyển dụng và đơn vị đào tạo, SV… Thực tế có trường hợp doanh nghiệp “bắn” thông tin tuyển dụng về trường 2-3 lần nhưng không nhận được hưởng ứng. Để chương trình đào tạo gắn kết với thực tiễn, ông Thành kiến nghị, SV tại các trường đến năm thứ 3 phải định hướng được công việc ngành nghề, từ đó tham gia những khóa học ngắn ngày về chuyên ngành đó. Tương ứng, các trường ĐH nên cắt giảm bớt thời lượng chương trình 1 số môn để SV có khoảng trống thời gian học được các khóa ngắn hạn này. Thạc sĩ Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) đặt vấn đề việc xây dựng chuẩn đầu ra cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Hiện nay, các trường chỉ tự ngồi lại với nhau bàn chuẩn đầu ra nhưng không có tiếng nói của doanh nghiệp sẽ không ổn.
Theo TS. Lê Thị Thanh Mai (Phó trưởng Ban ĐH & SĐH ĐHQG TP.HCM), trường ĐH ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đều đặt bộ phận tư vấn nghề nghiệp ngay tại trường. Sau 1-2 năm học ở đây nếu thấy không phù hợp SV có thể xin chuyển ngành. Ở nước ta, việc tuyển sinh theo ngành nghề “cứng nhắc” ngay từ đầu. Thí sinh còn tình trạng lựa chọn ngành học theo cảm tính. Việc thiếu thông tin về thị trường lao động khiến cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng lại càng xa.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)