Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thiếu tương tác, doanh nghiệp lẫn cơ sở dạy nghề đều gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

Cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chỉ 10% doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là quá ít, điều này khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lẫn doanh nghiệp đều gặp khó.

Thiếu tương tác, doanh nghiệp lẫn cơ sở dạy nghề đều gặp khó - Ảnh 1.

Đại diện Tập đoàn VinGroup chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của tập đoàn – Ảnh: THANH TÚ

Ngày 6-4, tại Tiền Giang, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017.

Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh một năm sau khi loại hình giáo dục nghề nghiệp được thống nhất quản lý nhà nước.

Nhiều vướng mắc trong đào tạo nghề

Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho biết năm 2017 cả nước tuyển sinh được 2.204.400 người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 230.400 sinh viên. Đa số các học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo và có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, do năm 2017 là năm đầu tiên triển khai tuyển sinh và đào tạo theo qui định của Luật giáo dục nghề nghiệp nên nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lúng túng, vướng mắc như việc xét đối tượng vào học cao đẳng qua kỳ thi đại học, chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng thực hành, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên gặp khó, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp còn cồng kềnh, chồng chéo trùng lắp ngành nghề đào tạo…

Đặc biệt, việc gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm với các doanh nghiệp dù được xem là tiêu chí của các trường nghề nhưng số trường thực hiện tốt phần việc này không nhiều.

Điều này ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm và thu nhập của học sinh, sinh viên sau khi ra trường, các doanh nghiệp tiếp nhận phải đào tạo thêm hoặc đào tạo lại mất thời gian và công sức.

Trong khi đó một số doanh nghiệp có nhu cầu về việc làm, sẵn sàng đặt hàng đào tạo lao động với số lượng lớn thì không có nhiều trường đáp ứng như Tập đoàn VinGroup cần 35.000 lao động và khoảng 6.000 nhân viên làm việc ở 42 nhóm ngành nghề.

Theo chia sẻ của đại diện tập đoàn, họ sẵn sàng tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường nghề vừa học vừa thực tập tại các cơ sở của VinGroup nhưng vẫn chưa có trường nào đáp ứng.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội mỹ nghệ, chế biến gỗ TP.HCM, nơi doanh số mỗi năm đạt tới 8 tỉ USD, cũng cho biết họ đang cần khoảng 300.000 lao động đã qua đào tạo và đến năm 2025 là 400.000 lao động.

Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp trong khối này chỉ đạt 2-3%. Gần như toàn bộ số lao động trong lĩnh vực này đều do doanh nghiệp tự đào tạo từ nguồn lao động phổ thông.

Cần chính sách thu hút học viên nghề

Thiếu tương tác, doanh nghiệp lẫn cơ sở dạy nghề đều gặp khó - Ảnh 2.

Ông Châu Hồng Thái, PGĐ Sở LĐ-TB-XH Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: THANH TÚ

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, đánh giá mất cân đối ngành nghề đang là vấn đề nan giải ở các trường. Hiện nhiều trường nghề rơi vào tình cảnh ngành không tuyển được trong khi ngành xã hội cần thì đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đáp ứng. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, thu hút ngành tuyển sinh xã hội có nhu cầu.

Còn ông Châu Hồng Thái, phó GĐ Sở LĐ-TB&XH TP cần Thơ, thì cho rằng tính tương tác giữa đạo tào nghề và sử dụng lao động giữa các trường và doanh nghiệp thời gian qua chưa cao.

"Xưa nay chưa nghe doanh nghiệp nào đưa ra yêu cầu đào tạo như thế nào, song khi phát biểu trước báo chí, họ nói chung chung là sinh viên chưa đáp ứng nhu cầu khiến cho dư luận hoang mang. Nhìn nhận vấn đề một chiều như vậy phần nào gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường nghề", ông Thái nói.

Ông Nguyễn Hồng Minh, tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, cũng thừa nhận tính tương tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề, trường nghề còn yếu.

Hiện cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chỉ có 10% doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (nói chung) là quá ít.

Tới đây, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh đối tượng tuyển sinh, không chỉ dựa vào đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT mà sẽ tổ chức tuyển sinh dạy nghề trong các đối tượng lao động phổ thông đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Việc này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm học sinh, các doanh nghiệp có thêm đối tượng lao động đã qua đào tạo với chất lượng cao hơn.

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)